Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36 “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh, đã đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực và cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; xác định và phân bổ 1 – 1,5% ngân sách dành cho công tác chuyển đổi số; ban hành hơn 110 văn bản, quy định để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương; ban hành danh mục dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025 với 35 dự án, 137 nhiệm vụ, tổng kinh phí dự kiến trên 1.700 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2014 – 2022, tỉnh đã ban hành áp dụng tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Năm 2023, tiếp tục ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cho 29 cơ quan với 8 bộ tiêu chí. Đến nay, tỉnh đã xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, kết nối băng rộng đến tất cả các xã, phường; 100% thuê bao sử dụng cáp quang; hoàn thành xây dựng 19 cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; hoàn thành kết nối các cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành Trung ương theo quy định; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đã được số hóa đạt 65,8%; đã triển khai nhiều nền tảng số phục vụ 3 nội dung chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thiệu cũng đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác liên ngành một số nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số như: Xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù dành cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số; có chính sách thu hút và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, trong đó nghiên cứu hình thành trung tâm dữ liệu vùng, phục vụ hoạt động kinh tế – xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước; công khai, chia sẻ dữ liệu công, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng dữ liệu trong việc quản lý, điều hành, vận hành bộ máy dựa trên dữ liệu và công nghệ số; đẩy mạnh mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới…
Thứ trưởng Phạm Đức Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Khánh Hòa, đồng thời nhấn mạnh quan điểm chuyển đổi số phải thiết thực, hiệu quả và gắn với chuyển đổi xanh; lấy người dân làm trung tâm; phải toàn diện, đồng bộ trên cả ba trụ cột gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị tỉnh Khánh Hòa, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác chuyển đổi số. Người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số. Về các kiến nghị của địa phương, Thứ trưởng Phạm Đức Long ghi nhận và sẽ tổng hợp tham mưu trình Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số thời gian tới…
Nguồn: https://mic.gov.vn/lanh-dao-tinh-khanh-hoa-lam-viec-voi-doan-cong-tac-lien-nganh-ve-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-36-197240812092931563.htm