Lãnh đạo theo nhau thoái vốn
Phó Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty CP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh – Haxaco (HAX) Trần Quốc Hải vừa đăng ký bán 1,4 triệu cổ phiếu HAX từ 23/9-22/10. Nếu hoàn tất giao dịch, ông Hải sẽ giảm lượng cổ phiếu nắm giữ tại Haxaco xuống còn gần 1,24 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 1,15% cổ phần.
Ông Trần Quốc Hải đang nắm giữ gần 2,64 triệu cổ phiếu HAX, tương đương 2,46% cổ phần.
Ông Hải đăng ký bán hơn 50% cổ phần nắm giữ trong bối cảnh cổ phiếu Haxaco tăng khá mạnh gần đây, từ mức 12.000 đồng/cp hồi đầu năm và 15.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 lên mức 17.000 đồng/cp như hiện tại.
Nếu bán thành công ở mức giá như hiện tại, ông Hải sẽ thu về gần 24 tỷ đồng.
Trước đó, Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng đăng ký bán 700.000 trong tổng số gần 18,8 triệu cổ phiếu HAX nắm giữ (tương đương gần 17,5%). Theo công bố, ông Dũng đã bán 100.000 cổ phiếu HAX trong khoảng thời gian từ 8-31/7.
Lý do ông Trần Quốc Hải và ông Dũng bán cổ phiếu HAX là để cơ cấu danh mục đầu tư.
Ông Trần Quốc Hải (51 tuổi) là nhà lãnh đạo gắn bó với Haxaco từ lâu. Ông Hải có trình độ kỹ sư cơ khí, làm cố vấn dịch vụ tại Haxaco từ năm 2000, sau đó lên giám đốc dịch vụ tại HAX năm 2011, rồi Phó Tổng giám đốc và từ năm 2016 đến nay có thêm chức vụ thành viên HĐQT.
Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh – Haxaco (HAX) là doanh nghiệp “trùm” kinh doanh xe Mercedes tại Việt Nam, gần đây mở rộng sang phân phối các dòng ô tô trung cấp thương hiệu MG đến từ Anh, thuộc sở hữu của hãng SAIC (Trung Quốc).
Gần đây, Ô tô Hàng Xanh ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực.
Theo HAX, 2023 là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô tại thị trường Việt Nam. Kinh tế suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp giá bán nhiều mẫu xe giảm mạnh. Là một trong những đơn vị dẫn đầu về phân phối ô tô hạng sang, Haxaco chịu nhiều ảnh hưởng từ việc này.
Năm ngoái, Haxaco chỉ phân phối 1.099 xe, giảm mạnh so với năm 2022 cho thấy thị trường ô tô ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, việc giảm tối đa hàng tồn kho và tập trung khai thác mảng dịch vụ kể từ giữa năm đã giúp doanh nghiệp này thoát lỗ và có kết quả lợi nhuận dương. Kết quả, năm 2023, doanh thu của HAX đạt 3.982 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 48 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch đề ra.
‘Ông trùm’ chuyển sang xe Trung Quốc giá rẻ
Haxaco ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm 2024 với doanh thu tăng từ gần 1.790 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 2.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng từ hơn 6,2 tỷ đồng lên gần 53,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024 đạt gần 22 tỷ đồng, so với mức hơn 2,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng là khoảng 8 lần.
Ông Đỗ Tiến Dũng ước tính trong quý II/2024, hoạt động phân phối sản phẩm từ MG mang lại 90% lợi nhuận cho công ty.
Như vậy, trong bối cảnh gặp khó với việc bán xe sang Mercedes tại Việt Nam, Haxaco đã tập trung bán dòng xe giá thấp MG của hãng SAIC Trung Quốc.
Vào cuối tháng 9/2023, Haxaco cùng Công ty TNHH SAIC Motor Việt Nam khai trương showroom Flaship của MG tại TPHCM, có quy mô lớn và hoành tráng nhất của MG tại Việt Nam.
Haxaco chiếm phần lớn thị phần trong hệ thống đại lý phân phối Mercedes-Benz Việt Nam nhiều năm qua, với 5 đại lý tại 3 thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội và Cần Thơ.
Trong định hướng, doanh nghiệp của chủ tịch Đỗ Tiến Dũng tiếp tục giữ vị thế là nhà phân phối hàng đầu của Mercedes-Benz tại Việt Nam. Dù vậy, bên cạnh phân phối xe sang, công ty cũng đẩy mạnh phân phối phân khúc ô tô MG – “đi bằng hai chân để phát triển bền vững”.
Hiện Haxaco Group có 6 đại lý MG tại TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Bắc Giang và có kế hoạch mở thêm các đại lý MG tại Bắc Ninh, Đồng Nai, Đà Nẵng,… Mục tiêu của công ty là đến cuối năm nay, sẽ có 10 đến 12 đại lý MG trên toàn quốc.
Có thể thấy, Haxaco đang “sống” nhờ xe Trung Quốc giá rẻ. Các dòng xe của MG được đánh giá có lợi thế cạnh tranh cao khi lãi suất vay mua xe thấp và mức giá khá mềm, qua đó tạo động lực kích cầu mua ô tô.
Tuy nhiên, Haxaco đánh giá, sự cạnh tranh trong ngành ô tô tại Việt Nam đang diễn ra vô cùng gay gắt và phức tạp, với sự hiện diện của nhiều thương hiệu khắp thế giới, từ các dòng xe phổ thông đến cao cấp, cũng như sự xuất hiện của các dòng xe mới như xe điện. Thị trường đa dạng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp ô tô, trong đó có Haxaco.
Các doanh nghiệp không chỉ phải cạnh tranh về giá mà còn phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và khả năng đổi mới công nghệ. Cạnh tranh không chỉ đến từ các thương hiệu lâu đời và đã được khẳng định trên thị trường, mà còn từ các thương hiệu mới nổi với chiến lược giá cả linh hoạt và áp dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, không phải chỉ bán xe sang gặp khó, một số doanh nghiệp bán xe giá rẻ cũng rất chật vật.
Sau một năm bán xe điện Trung Quốc, CTCP Ô tô TMT – TMT Motors (TMT) báo thua lỗ kỷ lục trong quý II và bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. TMT được biết đến là công ty kinh doanh xe điện Trung Quốc giá rẻ Wuling.
Theo giải trình của TMT, tình hình kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu… khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu, bất chấp các doanh nghiệp liên tục giảm giá bán để giải phóng tồn kho.
Wuling Hongguang MiniEV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng tại Trung Quốc, từng đạt danh hiệu “Ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới” 4 năm liên tiếp (2020-2023), do liên doanh General Motors (Mỹ), SAIC và Wuling của Trung Quốc sản xuất. Nhưng năm 2023, TMT chỉ bán được 591 chiếc, bằng 11% so với kế hoạch. Năm nay, TMT đặt mục tiêu bán 1.016 chiếc.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lanh-dao-thoai-von-ong-trum-buon-xe-sang-kiem-tien-nho-xe-gia-re-trung-quoc-2323436.html