Đối thoại hữu nghị TPHCM lần 2 là cơ hội để lãnh đạo TPHCM thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững với 58 địa phương nước ngoài.
Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Phước Anh chiều nay thông tin về chương trình Đối thoại Hữu nghị TPHCM lần 2 năm 2024.
Đây là sự kiện quy mô quốc tế do UBND TPHCM tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23-24/9.
Theo ông Trần Phước Anh, sự kiện này là nền tảng quan trọng trong việc triển khai hiệu quả “Chiến lược nâng tầm công tác đối ngoại của TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và đề án “Thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TPHCM giai đoạn 2020-2025”.
Lãnh đạo TPHCM dự Đối thoại hữu nghị lần 1 năm 2022. Ảnh: Sở Ngoại vụ TPHCM
Nổi bật trong chuỗi hoạt động là phiên Hội nghị Thị trưởng với sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành, lãnh đạo thành phố cùng đại diện 58 địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với TPHCM.
“Hội nghị nhằm chia sẻ các thách thức và thảo luận về các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững” – ông Trần Phước Anh nói.
Dịp này, thành phố sẽ tổ chức lễ khởi công Biểu tượng hữu nghị quốc tế TPHCM tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1) cùng nhiều hoạt động khác như ngắm khinh khí cầu, đi du thuyền trên sông Sài Gòn…
Cùng với chương trình Đối thoại Hữu nghị TPHCM lần 2, từ ngày 24-27/9 cũng sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế TPHCM lần 5 (HEF) với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”.
Diễn đàn kinh tế TPHCM năm nay dự kiến có sự tham gia của các bộ, ngành, hơn 1.000 đại biểu đến từ các tổ chức định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước…
Nội dung Diễn đàn HEF 2024 xoay quanh các vấn đề chính như: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TPHCM gắn với chuyển đổi công nghiệp…
Lần đầu tiên, tại diễn đàn sẽ diễn ra phiên đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TPHCM.
Lễ ra mắt và khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại TPHCM (C4IR) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ của diễn đàn vào ngày 25/9.
Đây là Trung tâm C4IR thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia trong mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư toàn cầu của WEF.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lanh-dao-tphcm-sap-doi-thoai-voi-58-dia-phuong-ket-nghia-tai-hoi-nghi-thi-truong-2303401.html