TPO – Ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã đi kiểm tra và có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hai dự án mở rộng đường Nghi Tàm – Âu Cơ và Xuân Diệu trên địa bàn thành phố.
Tại công trường đường dự án đầu tư cầu vượt nút giao An Dương và nâng cấp cải tạo đường Nghi Tàm Âu Cơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nghe ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông) cho biết, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 là xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương; hiện dự án đang triển khai giai đoạn 2 mở rộng đường Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đến cầu Nhật Tân có chiều dài 3,7 km. Để thực hiện dự án, các đơn vị thi công phải hạ đê sông Hồng vừa để mở rộng lòng đường từ 2 thành 6 làn xe, vừa xây dựng tường chắn bê tông cốt thép bên phải (phía ngoài đê) để thay thế một phần đê đất.
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các đơn vị sở ngành, chủ đầu tư thực tế tại dự án đường Nghi Tàm – Âu Cơ ngày 6/3. |
Cùng với đó, ông Duân cũng cho biết, dự án cũng thực hiện cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên với quy mô mặt cắt ngang từ 26,5m đến 31m, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 544 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thi công trên mặt bằng là đê thoát lũ cấp đặc biệt, khi đến mùa mưa dự án phải dừng thi công nhiều tháng để phòng chống mưa lũ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành theo kế hoạch ban đầu.
Về khối lượng thi công tại hiện trường, ông Duân cho biết, trước Tết Nguyên đán vừa qua, với gói thầu số 39 (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Xuân Diệu dài 1.400m), đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ tường chắn đê bê tông cốt thép; 5/6 cửa khẩu; hoàn thành 100% tường chắn giao thông trái tuyến; thảm xong nhựa đường dân sinh (đường 5m) hai bên; đường mở rộng Âu Cơ đã thảm thô 1.400m mặt cắt.
Dự án đang có tiến độ thi công đến cuối năm 2024, tuy nhiên Ban QLDA Giao thông thành phố đang phấn đấu hoàn thành thông xe kỹ thuật trước 30/6 để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đề cập đến khó khăn của dự án hiện nay, ông Duân cho biết, vướng mắc chính hiện nay nằm ở việc thi công của dự án tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ – Yên Phụ do Tổng Công ty Điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư nằm trên phạm vi thi công của dự án đường Âu Cơ mở rộng. Hiện Ban QLDA Giao thông đã bàn giao mặt bằng cho đại diện chủ đầu tư dự án tuyến cáp ngầm 110 kV khoảng 1.750/2.700 mét trên toàn tuyến và 3/5 vị trí hầm cáp, nhưng đến nay các đơn vị thi công tuyến cáp ngầm mới thi công xong được khoảng 200m, đạt khoảng 12% tiến độ, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án đường.
Dự án trọng điểm, cấp bách không thể chậm trễ, lơ là
Tại dự án nâng cấp đường Xuân Diệu, do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến báo cáo, tuyến đường được cải tạo, nâng cấp có chiều dài khoảng 1.087 mét (điểm đầu tuyến giao với đường Tô Ngọc Vân, điểm cuối tuyến giao với đường Nghi Tàm) với tổng mức đầu tư trên 388 tỷ đồng.
Về tiến độ dự án, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, đang bị chậm so với kế hoạch đặt ra, hiện quận đang yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ (đơn vị thực hiện dự án) đưa ra các giải pháp để sớm hoàn thành việc mở rộng tuyến đường.
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ báo cáo tình hình thực hiện dự án với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. |
Theo lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, vướng mắc chính của dự án là hiện còn tồn tại 11 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, UBND quận đang tích cực vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng. Trường hợp không vận động được sẽ lên phương án cưỡng chế. Dự kiến thời gian tổ chức cưỡng chế thu hồi đất xong trước tháng 7/2024.
Tại buổi kiểm tra các công trình trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây đều là các dự án giao thông có tính chất trọng điểm, cấp bách nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố và tại khu vực dự án, do vậy việc thi công không thể chậm trễ, lơ là. “Đây là các dự án quan trọng nhằm đồng bộ hạ tầng, giảm thiểu ùn tắc giao thông, phục vụ người dân đi lại thuận tiện, an toàn, là nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thi công vừa qua vẫn để tồn tại nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng”, ông Tuấn đánh giá.
Từ thực tế này, ông Tuấn yêu cầu, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phải nỗ lực hơn nữa, tập trung huy động máy móc, nhân lực thi công, vượt qua khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sớm nhất có thể.
Với dự án mở rộng đường Nghi Tàm – Âu Cơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đôn đốc Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội, nhà thầu thi công tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ – Yên Phụ huy động thêm thiết bị, nhân công, tổ chức nhiều mũi thi công đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên trước 15/3 tới.
Tại dự án mở rộng đường Xuân Diệu, ông Dương Đức Tuấn chỉ đạo liên ngành gồm Sở GTVT, Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ… tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ Ban Quản lý dự án trong công tác phân luồng tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án nhanh nhất có thể.