Nhà lãnh đạo cực hữu của Pháp Marine Le Pen hôm 21/3 cảnh báo rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang đẩy đất nước đến bờ vực của một “sự bùng nổ xã hội” với cải cách hưu trí gây nhiều tranh cãi của ông.
“Một cách có ý thức, chính phủ đang tạo mọi điều kiện cho sự bùng nổ xã hội, và điều đó có thể thấy trước trong nhiều tháng, như thể họ đang tìm kiếm điều đó”, bà Le Pen nói với hãng thông tấn Pháp AFP trong một cuộc phỏng vấn.
Phát biểu tại văn phòng của mình ở quốc hội, bà Le Pen cho biết, bà đã nói với Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vào tháng 9 năm ngoái rằng bà sẽ không cố gắng kiềm chế những người ủng hộ mình nếu ông Macron buộc Quốc hội Pháp phải thông qua những thay đổi mà không cần bỏ phiếu.
Trước đó, hôm 16/3, chính phủ của ông Macron đã thông báo vào phút chót về quyết định sử dụng thẩm quyền đặc biệt theo Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, mà không cần lá phiếu của các nhà lập pháp.
Động thái này đã khiến cả quốc hội và đường phố Pháp sôi sục, kích hoạt 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm “hạ bệ” chính phủ, mà một trong số đó là do Đảng cực hữu National Rally (Tập hợp Quốc gia) của bà đệ trình.
Mặc dù chính phủ của ông Macron đã vượt qua cả 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làn sóng giận dữ vẫn bao trùm quốc gia.
“Tôi sẽ không tham gia lần thứ hai vào việc dập tắt ngọn lửa mà các vị đã bắt đầu”, bà nói, đề cập đến chính phủ Pháp.
Bà Le Pen cho biết, bà đã đóng vai trò “lính cứu hỏa” trong năm 2018-2019 khi cuộc biểu tình Áo vàng – nhằm phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Macron – biến thành bạo loạn ở Paris.
Giờ đây, giữa sự phẫn nộ lan rộng về cách dự luật cải cách hưu trí được thông qua, cảnh sát Pháp đã bắt giữ gần 300 người trên toàn quốc từ đêm hôm 20/3 đến đầu ngày 21/3 khi những người biểu tình hành động quá khích ở các thành phố bao gồm Paris, Dijon và Strasbourg.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin hôm 21/3 cho biết, đã có 1.200 cuộc biểu tình tự phát trên khắp đất nước kể từ hôm 16/3, trong khi 94 sĩ quan cảnh sát đã bị thương.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Người dân Pháp cảm thấy tức giận, họ cảm thấy bị sỉ nhục và họ cảm thấy rằng các quy tắc của nền dân chủ của chúng ta đã bị phá vỡ”, bà Le Pen nói với AFP.
Nhiều nhà bình luận tin rằng bà Le Pen sẽ được hưởng lợi về mặt chính trị từ tình trạng hỗn loạn và phẫn nộ do chiến thuật của ông Macron gây ra, một phần nhờ vào cam kết lâu dài của bà về việc tham khảo ý kiến cử tri thông qua các cuộc trưng cầu dân ý về cách chính phủ điều hành đất nước.
Trong khi đó, cách tiếp cận của ông Macron đối với tình trạng bất ổn có thể làm tăng thêm những khó khăn gần đây của nhà lãnh đạo Pháp. Các vấn đề lập pháp rộng hơn, như nhập cư, đầu tư, hỗ trợ cho Ukraine và khí hậu, đều có thể vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà lập pháp, và đặc biệt là kế hoạch cải cách hưu trí của ông Macron.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, khoảng 70% người Pháp phản đối nâng tuổi nghỉ hưu.
Về phần mình, vị chính trị gia cực hữu 54 tuổi đã thúc giục Tổng thống Pháp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý – mà ông gần như chắc chắn sẽ thua, hoặc các cuộc bầu cử mới cho Quốc hội Pháp – mà các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng cực hữu National Rally của bà có khả năng sẽ giành thêm một số ghế.
Với tư cách là người đứng đầu Đảng National Rally, bà Le Pen đã bị ông Macron đánh bại 2 lần trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2017 và 2022. Nhưng trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 6 năm ngoái, đảng của ông Macron đã mất thế đa số trong nghị viện, trong khi đảng của bà Le Pen đạt được kết quả tốt nhất trong các kỳ bầu cử, với 89 ghế trong quốc hội 577 ghế.
Minh Đức (Theo AFP/Yahoo!News, TIME)