Nghị định 24 được Chính phủ ban hành ngày 27.2.2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Đấu thầu 22/2023/QH15 về lựa chọn nhà thầu, được đánh giá đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn trong vấn đề mua sắm thuốc, đặc biệt là vật tư và trang thiết bị y tế.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Nghị định 24 đã tổng hợp nhiều văn bản quy phạm pháp luật trước đó và đã tháo gỡ, giải phóng ngay được những khó khăn về đấu thầu cho các cơ sở y tế trước đó đã gặp phải vì chưa có văn bản hướng dẫn.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Nghị định 24 như nối tiếp các hướng dẫn của Nghị quyết 30 ngày 4.3.2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thậm chí còn mở rộng hơn.
Theo đó, việc mua sắm rất thông thoáng, cơ chế trước kia bắt 3 báo giá, còn bây giờ 1 báo giá cũng cho; trước kia phải lấy giá thấp nhất, còn bây giờ thậm chí cho lấy giá cao nhất…
“Hiện nay các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế được bệnh viện tăng tốc thực hiện để có thể mua sắm được sớm nhất, nhưng một gói thầu chạy theo trình tự cũng vài tháng”, bác sĩ Việt nói.
Chỉ mua hóa chất vật tư, không thuê máy
Về hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, theo bác sĩ Việt, Nghị định 24 cho phép các cơ sở khám chữa bệnh có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo một trong các cách thức theo quy định tại khoản 1 điều 55 luật Đấu thầu 22/2023/QH15 phù hợp với hoạt động của đơn vị.
Thứ nhất, lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, vật tư xét nghiệm đó theo yêu cầu của chủ đầu tư. Nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu, chỉ chuyển giao quyền sử dụng thiết bị y tế cho cơ sở khám chữa bệnh.
Thứ hai, việc lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật được quy định cụ thể tại điều 93 Nghị định 24. Nhà thầu cung cấp cho chủ đầu tư hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện thay thế và các dịch vụ liên quan để vận hành thiết bị y tế theo số lượng dịch vụ kỹ thuật mà chủ đầu tư, bên mời thầu yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; không cung cấp nhân công vận hành thiết bị y tế.
Nhà thầu chỉ chuyển giao quyền sử dụng, không chuyển giao quyền sở hữu thiết bị y tế cho chủ đầu tư. Giá gói thầu và giá dự thầu được xác định trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật dự kiến. Thời gian thực hiện hợp đồng không quá 5 năm.
Được mua sắm trực tuyến với giá trị giới hạn
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm để vận hành thiết bị y tế đã có, luật Đấu thầu mới và Nghị định 24 có bổ sung thêm 2 hình thức lựa chọn nhà thầu mới mà luật Đấu thầu cũ chưa có. Cụ thể là chào giá trực tuyến và mua sắm trực tuyến.
Về chào giá trực tuyến, theo quy định tại điều 101 Nghị định 24 về chào giá trực tuyến rút gọn, chủ đầu tư, bên mời thầu được yêu cầu cụ thể về xuất xứ, ký mã hiệu, nhãn hiệu, hãng sản xuất, thông số kỹ thuật của hàng hóa, thời gian giao hàng, bảo hành và các nội dung cần thiết khác (nếu có) đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ phi tư vấn có giá trị không quá 300 triệu đồng đối với dự toán mua sắm.
Đối với hàng hóa, dịch vụ của gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng thì có thể áp dụng hình thức mua sắm trực tuyến được quy định tại mục 3 Nghị định 24 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nhưng cũng theo bác sĩ Việt, việc đấu thầu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác, như gói thầu không có người tham dự, hàng hóa đứt gãy sau dịch bệnh…
Bác sĩ Việt cũng nhận định là việc đấu thầu hiện nay cũng còn chút khó khăn. Ví dụ như thiết bị mới ra đời thì sẽ có tính năng vượt trội và chỉ có 1 hãng có, thời gian sau các hãng khác mới làm. Nhưng xây dựng kỹ thuật cho thiết bị mới sẽ gây giới hạn cho các hãng máy khác, nên các đơn vị e ngại.