Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thủy sản tháng 10 đạt gần 871.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát triển mảng nuôi trồng thủy sản
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,9 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 0,6%; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 3,8%.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) mới đây đã có báo cáo với tiêu đề “Ấn bản năm 2024 về Thực trạng khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới (SOFIA)”. Theo đó, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu trong năm 2022 đạt 223,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2020. Bản báo cáo cũng chỉ ra lần đầu tiên, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã vượt sản lượng đánh bắt, trở thành nguồn sản phẩm động vật thủy sản chính vào năm 2022.
Theo báo cáo của FAO, 10 quốc gia – bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc, Na Uy, Ai Cập và Chile – chiếm hơn 89,8% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,23 tỷ USD, tăng 13,9%; cá tra đạt 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%.
Đặc biệt, riêng tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD – một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Với mức tăng trưởng ấn tượng những tháng gần đây, ngành thủy sản tự tin sẽ đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đã đạt 8,33 tỷ USD, còn 2 tháng nữa, nếu mỗi tháng đạt 900 triệu USD thì xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ về đích 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất quan trọng của ngành, của Bộ NN&PTNT mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.
“Trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt sau bão số 3, ngành chăn nuôi và thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn nhưng chúng ta chắc chắn vẫn về đích được, đạt được mục tiêu đã đặt ra đối với năm 2024. Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm tăng tốc để chuẩn bị về đích và kết thúc giai đoạn 2021 – 2025”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Chú trọng những biến động thị trường
Nhận định về những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, ngoài những thách thức về thuế và quy định từ các thị trường lớn, ngành thủy sản còn phải đối mặt với biến động về khí hậu và môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, cạnh tranh từ các nước trong khu vực cũng đang ngày càng gia tăng.
Đối với ngành tôm và cá tra, dù đang trong mùa cao điểm nhập khẩu nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước. Các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.
Với xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc, dù ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 10 nhưng có chiều hướng chững lại so với giai đoạn nửa đầu năm bởi tác động của những quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ về các quy định kiểm soát hải sản khai thác, khiến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản tại nhiều cảng cá bị đình trệ.
Riêng với cá ngừ vằn – nguyên liệu chính để chế biến đóng hộp bị ách tắc hoàn toàn từ khâu khai thác vì ngư dân sợ vi phạm quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn 0,5m hoặc khai thác về cũng không bán được cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành hải sản khai thác đang chờ đợi và hi vọng có kết quả tích cực hơn sau chương trình thanh tra Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của EU dự kiến vào tháng 11/2024.
Theo đó, bà Lê Hằng đưa ra lời khuyên: “Các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhiệm vụ từ nay tới cuối năm là phải duy trì được tốc độ tăng trưởng. Theo đó thời gian tới, các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; tập trung mục tiêu giảm sản lượng khai thác; tiếp tục khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau bão số 3; phát triển nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa các đối tượng nuôi; đặc biệt cần quan tâm hơn đến vấn đề cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay chưa được quan tâm đúng mức.
“Tiềm lực, tiềm năng của ngành thủy sản nước ta còn rất lớn nhưng nếu không khai thác được thì không duy trì được tốc độ tăng trưởng. Không có hạ tầng thì không có nuôi công nghệ cao nhiều giai đoạn, không thể nuôi biển được và không thể khai thác tốt được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/xuat-khau-thuy-san-10-thang-dat-hon-8-3-ty-usd-5028191.html