Ngày 4/11, tại TP Hà Tĩnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức Tọa đàm truyền thông khuyến nông cộng đồng về mô hình hoạt động tổ Khuyến nông cộng đồng có hiệu quả.
Tham dự Tọa đàm có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh; Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cùng hơn 100 đại biểu là cán bộ khuyến nông cộng đồng, HTX, doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu.
Theo ông Lê Quốc Thanh, thời qian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận về sự cần thiết, vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông cộng đồng.
Trang web Khuyến nông đã mở chuyên mục “Khuyến nông Cộng đồng”, đăng tải 273 tin, bài, ảnh, video, ấn phẩm, gồm: 65 tin, bài và 195 ảnh, 3 video, 9 ấn phẩm, 1 phóng sự ảnh. Xây dựng phần mềm “Quản lý hoạt động khuyến nông”, giúp theo dõi và đánh giá hiệu quả các tổ khuyến nông cộng đồng. Bản tin Khuyến nông Việt Nam đã đăng tải gần 50 tin, bài, ảnh về các hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng trên toàn quốc…
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 56 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng với 1.290 học viên tham gia. Các học viên đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về tư vấn, phát triển thị trường; phương án sản xuất kinh doanh của các HTX; hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng xây dựng cơ chế phối hợp với hợp tác xã
Ứng dụng chuyển đổi số trong tư vấn, liên kết tiêu thụ nông sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, phòng trừ bệnh hại… Qua đánh giá các học viên tham gia nhiệt tình, tiếp thu đầy đủ các kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương.
Tổ chức 26 đoàn tham quan học tập tại các vùng nguyên liệu với 780 học viên nhằm giúp các cán bộ khuyến nông, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng được tiếp cận, tham quan, học tập chia sẻ những kinh nghiệm về các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả.
Kết quả đã đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 2.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng về các kiến thức, kỹ năng: kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển thị trường, chuyển đổi số,… Đây là lực lượng nòng cốt để tham mưu, tư vấn và tổ chức các hoạt động khuyến nông cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 7 hội thảo, 28 tọa đàm để nâng cao nhận thức của các tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp, HTX về phát triển sản xuất nông nghiệp. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận làm rõ các vấn đề về hoạt động của Tổ KNCĐ gắn với liên kết sản xuất, tư vấn, dịch vụ, chuyển đổi số,… nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương.
Nhiều tổ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc các dự án, mô hình khuyến nông, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình hỗ trợ sinh kế khác của địa phương…
Cụ thể, tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối nông dân, HTX với Công ty DOVECO Sơn La tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Yên Châu; kết nối với Công ty Bảo Lâm tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Quỳnh Nhai; kết nối với thương lái tại các điểm du lịch thu mua tiêu thụ dứa quả cho nông dân huyện Mộc Châu và kết nối với Công ty Nafoods Gia Lai tiêu thụ trên 100 tấn chanh leo; kết nối với thương lái tại chợ Long Biên tiêu thụ trên 50 tấn chanh leo và 15 tấn na; kết nối với thương lái Trung Quốc tiêu thụ 22 tấn chanh leo qua cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn cho nông dân huyện Mai Sơn…
Tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Hoà Bình đã liên kết và giới thiệu Công ty TNHH XNK nông sản T9 để xây dựng phát triển mô hình và tiêu thụ sản phẩm ớt, chanh dây; liên kết với Công ty TNHH đầu tư thương mại Tiến Ngân phát triển sản xuất và thu mua sản phẩm mía tím phục vụ xuất khẩu; ký kết hợp đồng với Công ty mía đường Đài Loan đẩy mạnh sản phẩm mía ép nước. Tổ KNCĐ xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi liên kết, giới thiệu Công ty TNHH Fusa với hợp tác xã để mở rộng sản xuất và thu mua sản phẩm ớt, ngô ngọt.
Kiến nghị tại tọa đàm, anh Trần Hữu Số, cán bộ Khuyến nông xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của khuyến nông cộng đồng, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trang thiết bị làm việc và hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hỗ trợ các mô hình sinh kế cho người dân trong vùng có điều kiện tiếp cận, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng.
Trong khi đó, ông Trương Huy Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đề xuất: “Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng các văn bản hướng dẫn quy chế hoạt động; cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí; hệ thống giải pháp cụ thể để có căn cứ cho tổ KNCĐ hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Tổ chức các cuộc tham quan học tập kinh nghiệm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ KNCĐ tham gia nhằm nâng cao năng lực hoạt động”.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Đến nay, Ban chỉ đạo đề án đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thành lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với 47.293 thành viên tham gia tại 57 tỉnh, thành phố. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ NNPTNT có các cơ chế, tạo động lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”.