– Chiều 31/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình chủ trì hội nghị về xem xét dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Lạng Sơn.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 8/7/2020 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025. Sau gần 5 năm, việc thực hiện nghị quyết đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội quyết nghị là 2.870.000 tỷ đồng; tổng số dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn ngân sách trung ương là 4.578 dự án; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 đã dành gần 30% tổng vốn ngân sách trung ương để triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án có tính chất lan toả kết nối, liên kết vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 973 vẫn tồn tại một số hạn chế: chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư công ngân sách địa phương; chưa có cơ chế để xác định, ràng buộc trách nhiệm của ngân sách địa phương trong việc dành nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng; quy định đối với việc bố trí vốn nước ngoài chưa đảm bảo phù hợp với thực tiễn triển khai…
Căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo nghị quyết gồm 3 chương và 14 điều quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 – 2030. Tính đến nay, Bộ KH&ĐT đã nhận được 108 ý kiến góp ý của các cơ quan trung ương và địa phương về nội dung dự thảo.
Dự thảo nghị quyết được ban hành sẽ làm cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030; đảm bảo việc phân bổ vốn đúng mục tiêu, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận và cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo nghị quyết. Đồng thời nêu ý kiến góp ý vào nội dung dự thảo, tập trung về: thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước; nguyên tắc phân bổ đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho địa phương; về cơ cấu phân bổ vốn…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ quan điểm nhất trí cao đối với dự thảo. Nội dung của dự thảo đảm bảo nguyên tắc bố trí vốn tập trung, hiệu quả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030, tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện. Đồng chí đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách trung ương là dự án triển khai đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đề án cửa khẩu thông minh triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn).
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận sự chủ động, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết. Đồng chí đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại hội nghị. Trong đó, tập trung xây dựng dự thảo nghị quyết trên tinh thần phân cấp mạnh cho địa phương; rà soát, bổ sung những điểm mới của các dự thảo luật đang được xem xét thông qua, đảm bảo các quy định thống nhất, đồng bộ.
Nguồn: https://baolangson.vn/du-thao-nghi-quyet-ve-von-dau-tu-cong-nguon-ngan-sach-nha-nuoc-giai-doan-2026-2030-5026957.html