Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 26/8, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.
Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% năm 2023, Báo cáo cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Dự báo trên đã xét đến hiệu ứng xuất phát điểm cao hơn kể từ nửa cuối năm 2023 với giả định tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến chững lại trong nửa cuối năm 2024, sau khi phục hồi 16,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại năm 2024, nhất là tại Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thị trường bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối năm 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024. Trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ tăng vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng cố cân đối ngân sách, còn lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Ngoài ra, đối với trong nước, sự mất ổn định của kinh tế vĩ mô có thể có tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư. Thị trường bất động sản có thể hồi phục lâu hơn dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm…
Triển vọng trên cũng có thể được hưởng lợi từ những diễn biến tích cực hơn. Tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế phát triển lớn đã được bắt đầu tại Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, kết hợp với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang có tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cũng có thể góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam.
Theo báo cáo Điểm lại của WB với tiêu đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn”, báo cáo ghi nhận nền kinh tế vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch. Do đó cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics – vốn đang là những nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó cần theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.
Ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho biết: Trong nửa đầu năm nay nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính.
Chuyên đề đặc biệt của báo cáo nhấn mạnh rằng phát triển các thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Báo cáo chỉ ra những thách thức chính của thị trường vốn, bao gồm tỉ trọng thấp của các nhà đầu tư tổ chức trong cơ cấu nhà đầu tư và đầu tư từ quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) chưa được khai thác đúng mức.
Báo cáo khuyến nghị cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn, trong đó BHXH sẽ trở thành một nhân tố chính đẩy mạnh sự phát triển của thị trường vốn.
Các chính sách nhằm tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực tài chính là một yếu tố quan trọng góp phần đạt được những mục tiêu đó.
Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nhận định: Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi. Đồng thời, cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của BHXH để cải thiện lợi nhuận dài hạn đồng thời tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp.
Các chuyên gia WB cho rằng: Mục tiêu quan trọng của Chính phủ và tất cả các bên liên quan là tiến hành những nỗ lực đồng bộ để phát triển thị trường vốn. Các thị trường vốn tăng trưởng lành mạnh cũng đem lại tác động ngoại ứng tích cực cho toàn bộ nền kinh tế thông qua sự phân bổ vốn hiệu quả.
“Việt Nam sẽ có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn, không chỉ do nguồn lực trong nước được sử dụng đảm bảo năng suất cao hơn, mà còn tận dụng được đòn bẩy nguồn vốn hết sức cần thiết trên thị trường quốc tế để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao”, các chuyên gia WB nhận định.
Nguồn: https://baolangson.vn/wb-kinh-te-viet-nam-du-bao-tang-truong-6-1-nam-2024-5019719.html