Nói đến các nhà văn nữ của miền quê Đất Tổ dồi dào bút lực, có những tác phẩm hay, ấn tượng, đông đảo bạn đọc thường nhắc đến hai cây bút: Tống Ngọc Hân và Vũ Thị Huyền Trang.
Huyền Trang sinh năm 1987, tốt nghiệp khóa IX, Khoa Sáng tác – lý luận và phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hội viên chuyên ngành văn xuôi Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Với năng khiếu văn chương, sức viết dồi dào và dẻo dai, từ năm 2010 đến nay, Huyền Trang đã xuất bản gần 20 ấn phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích: Cỗ xe mây (Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, 2010), Chỉ cần nhắm chặt mắt (NXB Văn học, 2013), Ký ức miền quê (NXB Quân đội nhân dân, 2014), Chiều nay có một cuộc hẹn (NXB Văn hóa văn nghệ, 2017)… Đa phần những tác phẩm trên là những tập truyện ngắn. Huyền Trang đã được tặng hơn 20 giải thưởng văn học từ Trung ương đến địa phương, trong đó có giải thưởng của “Tạp chí Nhà văn và tác phẩm” (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức năm 2018, giải “Tác giả trẻ”- Giải thưởng văn học của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022.
“Lưng người thăm thẳm” được xuất bản tháng 8-2024. Tập sách gồm 22 truyện ngắn, phản ánh chân thật, sinh động cuộc sống và giàu tình cảm yêu thương. Với phương châm “viết là phải luôn bám lấy đời sống”, nhiều chi tiết thực trong cuộc sống đời thường cũng đã được Huyền Trang đưa vào trong tác phẩm của mình như: Cuộc sống mưu sinh vất vả của người lao động, nạn chặt phá rừng, sự tàn phá của bão lũ, nhiều vụ cháy nhà ở những thành phố lớn, chuyện lừa đảo người dân qua điện thoại – qua mạng xã hội…
Nhân vật trong tập truyện này là những người nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh như Xiu trong “Kẻ dịch chuyển”, Tú trong “Người mẹ điên dại luôn bảo vệ đứa con trai của mình”, lão Vạm cụt trong “Những khuôn mặt tượng”, Sương trong “Tại sao yên lặng?”…
Sở trường của Huyền Trang là viết về miền núi, viết về đồng quê, viết về những con người nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh. Lý giải về điều này, Huyền Trang cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó, gắn bó với những người nông dân chân chất, thật thà. Lớn lên dù đi đâu, làm gì, tôi vẫn mang tấm lòng cởi mở của những người quê để bắt quen, gần gũi với những người bình thường, giản dị. Tôi soi mình vào họ mỗi ngày nên có nhiều thứ để trải ra trang viết”.
Trong tập truyện ngắn này, tôi thật sự ấn tượng với ba tác phẩm: “Giày hoa”, “Gùi xuân lên đỉnh mây trời” và “Bên lề ký ức”. Đó là những trang văn giàu chất thơ miêu tả thiên nhiên, núi đồi mùa xuân. “Con sông nhỏ vẫn lặng lẽ hiền hoà. Những cây trẩu đang chờ mùa hoa rưng rưng đậu những hạt sương chớm lạnh… phía xa xa những cây trẩu đã bắt đầu ra lộc. Chẳng mấy chốc đứng ở mảnh sân này nhìn xuống sẽ thấy những tán hoa trắng muốt nở dọc theo sườn núi…”. Đó là những câu chuyện nhẹ nhàng, nhân văn, là bến đỗ cho những con người nghèo khó, bất hạnh…
Được viết bằng sự bền bỉ, dày công và sự thương cảm nhân vật sâu sắc, Huyền Trang chia sẻ: “Bởi không muốn là người đứng bên lề hơi thở của thời đại, tôi cố gắng đi qua bề mặt của niềm vui để đào sâu vào góc khuất nội tâm từng nhân vật. Với mong muốn được cùng họ đối mặt với chính mình. Ngay cả sự cô đơn cũng được thắp lên lấp lánh như ngọn nến”.
Nguồn: https://baolangson.vn/vu-thi-huyen-trang-va-tap-truyen-ngan-an-tuong-lung-nguoi-tham-tham-5030592.html