– Với diện tích trồng hơn 4.900 ha na (diện tích chủ yếu trồng trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng), Lạng Sơn trở thành vùng trồng na lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế của sản phẩm hoa quả đặc sản của tỉnh, các cấp, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá và chủ động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na.
Bà con thực hiện đóng gói na để bán cho các doanh nghiệp thu mua buôn ngay tại chợ Na Chi Lăng
Theo thống kê của phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tính từ thời điểm cuối tháng 7/2023 đến nay, sản lượng na thu hoạch của hai huyện đã được trên 5.000 tấn. Hầu hết sản lượng na thu hoạch của bà con đều tiêu thụ được ngay. Theo tính toán, vào thời điểm chính vụ thu hoạch (từ 15/8 đến 30/8), sản lượng thu hoạch mỗi ngày có thể đạt vài trăm tấn. Với năng suất đạt 105 tạ/ha, dự ước sản lượng na năm 2023 khoảng 37.000 – 39.000 tấn, tăng khoảng 5.000 tấn so với niên vụ năm 2022. |
Sản phẩm na chưa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực, do vậy, thị trường nội địa vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng. Xác định điều đó, chính quyền các huyện có diện tích trồng na lớn như Chi Lăng, Hữu Lũng và các sở, ngành liên quan… đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm na tại thị trường trong nước.
Chủ động xúc tiến thương mại
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2023, trên địa bàn huyện có trên 4.000 hộ trồng na, với tổng diện tích hơn 2.300 ha, dự ước sản lượng thu hoạch được hơn 23.000 tấn. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế và doanh thu của sản phẩm na, ngay từ đầu vụ (đầu tháng 8/2023), UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu, tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) thu mua nông sản trên địa bàn huyện cũng như tại các địa phương khác để bàn, thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng. Hiện đã có 6 doanh nghiệp, HTX đã thỏa thuận thu mua thường xuyên với bà con trồng na trên địa bàn với giá ổn định và luôn đảm bảo cao hơn 5% so với giá thị trường.
Ngoài ra, nhằm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na, đầu tháng 8/2023, huyện Chi Lăng đã tổ chức đoàn công tác đến một số tỉnh, thành khu vực miền Bắc để xúc tiến ký kết với một số siêu thị, hệ thống cửa hàng tự chọn và các cửa hàng tiêu thụ nông sản, từ đó đưa sản phẩm na Chi Lăng vào trưng bày và tiêu thụ.
Cũng như Chi Lăng, huyện Hữu Lũng đã sớm triển khai chương trình xúc tiến tiêu thụ na. Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, phòng đã phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện và phòng nghiệp vụ của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm na của huyện. Trong đó, chủ động phối hợp đưa sản phẩm na chất lượng cao, mẫu mã đẹp đi trưng bày tại một số siêu thị tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành khác. Cùng đó, bố trí gian hàng trưng bày và bán sản phẩm tại hội chợ nông sản các vùng miền được tổ chức vào ngày 16/8 tại Hà Nội. Phòng còn phối hợp với Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện hỗ trợ mở điểm tiêu thụ na cho bà con, hỗ trợ thông tin về thị trường, thị hiếu khách hàng tại từng thời điểm cho bà con nắm bắt nhằm kịp thời tập trung tiêu thụ đúng thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm na…
Không chỉ chính quyền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, để tạo “đòn bẩy” mở rộng đầu ra, các ngành liên quan của tỉnh cũng đã tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm na của tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Lãnh đạo sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm na trước khi bước vào vụ thu hoạch. Theo đó, từ tháng 7/2023, sở đã chủ động kết nối với sở công thương các tỉnh, thành trên toàn quốc theo hình thức trực tuyến để trao đổi, xúc tiến thực hiện kế hoạch tiêu thụ sản phẩm na và một số sản phẩm hoa quả khác của tỉnh cùng thời vụ. Thông qua đó, Sở Công Thương tỉnh tập trung liên hệ để chính quyền các huyện có sản phẩm na tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại các hội chợ, phiên chợ, tuần lễ quảng bá sản phẩm… tại các tỉnh, thành; tìm đối tác là các doanh nghiệp đầu mối phân phối hoa quả lớn để hướng tới thực hiện ký kết bao tiêu sản phẩm na… Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm na của tỉnh Lạng Sơn đã được bày bán tại hệ thống siêu thị, hệ thống cửa hàng tự chọn… tại 16/25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Được biết, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đang chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành trong cả nước nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm na của tỉnh.
Mở rộng kênh tiêu thụ
Ngoài các giải pháp xúc tiến thương mại cho sản phẩm na của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, từ đầu tháng 8/2023 – thời điểm bước vào vụ thu hoạch na, các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng na tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng… đã chủ động triển khai các phương thức, kênh tiêu thụ na riêng biệt.
Qua tìm hiểu được biết, các doanh nghiệp, HTX thu mua na với số lượng lớn tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng… đã chủ động liên kết, ký hợp đồng thu mua sản phẩm số lượng lớn đến các siêu thị, cơ sở phân phối hoa quả trên toàn quốc. Việc thực hiện phân phối sản phẩn na theo các đơn hàng lớn không chỉ góp phần đảm bảo giá cả ổn định mà còn giúp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm na của tỉnh. Chị Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ cho biết: Vụ na năm nay, dự kiến HTX sẽ thu mua 1.500 – 2.000 tấn của bà con trên địa bàn huyện. Số lượng này cơ bản đã có đơn đặt hàng từ những khách hàng lớn.
Ngoài các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh khâu tiêu thụ theo đơn hàng số lượng lớn, thời điểm này, các chủ vườn na còn chủ động giới thiệu và bán sản phẩm na trên các mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok… Chị Trương Thị Oanh (thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) cho biết: Quả na thường chín rất nhanh, do vậy, bên cạnh việc bán buôn, bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, gia đình tận dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng trực tiếp. Từ đầu vụ đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình bán được từ 80 – 100 kg na qua hình thức bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội.
Khác với những năm trước, vụ na năm nay, các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Chi Lăng và Hữu Lũng cũng đã thực hiện liên kết với 18 tiktoker đưa sản phẩm na giới thiệu và bán trực tiếp trên nền tảng Tiktok Shop. Việc phối hợp với các tiktoker đưa sản phẩm lên những trang tiktok shop với lượng người theo dõi lớn khi tham gia giới thiệu và thực hiện bán hàng trên kênh không chỉ giúp mở rộng hoạt động quảng bá sản phẩm na mà còn giúp tiếp cận người tiêu dùng mới một cách nhanh nhất.
Việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm đã và đang đẩy nhanh sức tiêu thụ sản phẩm na đặc sản của tỉnh. Chia sẻ về nội dung này, ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chưa bền vững thì các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất, tiêu thụ na đẩy mạnh liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm đã góp phần đảm bảo tính ổn định về đầu ra cho sản phẩm na. Đặc biệt, việc chính quyền các cấp đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX thu mua sản phẩm và các chủ vườn na trên địa bàn hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm na vừa tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm na đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Có thể thấy rằng, các huyện và các ngành liên quan của tỉnh, các doanh nghiệp, HTX cũng như bà con trồng na… đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và thúc đẩy tiêu thụ na một cách bài bản, đa dạng, qua đó hướng đến đảm bảo đầu ra của sản phẩm na ổn định và thu được hiệu quả kinh tế cao nhất trong niên vụ 2023 này.
“Năm 2023, UBND huyện Chi Lăng sẽ không tổ chức “Ngày hội Na Chi Lăng” như mọi năm. Thay vào đó, để quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm na, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Chi Lăng, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn khác và chính quyền các xã, thị trấn… triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm na. Trong đó, điểm nhấn là sẽ triển khai cuộc đấu giá sản phẩm na nữ hoàng – tức là thực hiện đấu giá những quả na to, đẹp nhất. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức tại trung tâm huyện theo hình thức đấu giá trực tiếp và đấu giá trực tuyến vào ngày 19/8. Cuộc đấu giá sẽ được phát trên tất cả các nền tảng mạng xã hội với sự hỗ trợ của lực lượng đoàn thanh niên huyện và các tiktoker có trang quảng bá về nông sản…” . Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng |