Như một lời hò hẹn, cứ đầu tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm thì miền Tây lại đón chào con nước nổi. Nước về giúp tiêu mặn, rửa phèn cho đất; đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú và khi nước rút đi để lại cho ruộng đồng một lượng lớn phù sa. Quy luật của nguồn nước đã kiến tạo một nét văn hóa đặc trưng với tính cách con người miền Tây kiên cường, hào sảng, nghĩa tình.
Gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi từ bao đời nay, gia đình ông Hoàng Văn Biết (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) cũng như những cư dân cùng ngành nghề luôn có niềm tin vào các giá trị tiềm ẩn với ước vọng bình an trong cuộc sống và lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Vậy nên cứ vào đầu mùa nước nổi, họ đều tổ chức lễ cúng các vị thần linh, phúc thần, tạ ơn trời đất đã ban cho sản vật và cầu mong một mùa đánh bắt bội thu. Không phải mê tín mà đây là dịp để những người theo nghề bà cậu (nghề liên quan sông nước) tri ân các bậc tiền nhân đã có công tạo nghề và truyền thụ nghề nghiệp cho cư dân vùng lũ.
Từ yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian đã hình thành ý thức trân trọng thiên nhiên của biết bao thế hệ cư dân miền sông nước. Hàm ơn công đức gắn với nguyện vọng an khang trong cuộc sống thường ngày dẫn đến những người dân làm nghề đánh bắt trong mùa nước nổi hình thành tâm thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác đi đôi với gìn giữ cho con cháu mai sau. “Nông dân mình hồi xưa tới giờ cứ mùa khô thì làm ruộng, ai không có đất thì làm thuê còn đến mùa nước thì bắt cá. Dù mẹ thiên nhiên luôn ưu ái ban tặng nhiều sản vật cá tôm mỗi khi mùa nước nổi về nhưng chúng tôi luôn ý thức và nhắc nhở nhau đánh bắt con cá bự, bỏ con cá nhỏ lại, không có bắt tuyệt chủng cho cá còn sinh sản”, ông Hoàng Văn Biết, bộc bạch.
Những ngày rong ruổi trên đồng ruộng mùa nước nổi cùng với bà con nông dân ở xã Vĩnh Tế, chúng tôi còn được nghe kể về những quy tắc riêng mà người dân quen gọi là đạo làm nghề. Đó là văn hóa ứng xử giữa những người có chung ngành nghề, là sự sẻ chia nguồn lợi thủy sản, để dù trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại bất di bất dịch trong tâm thức của những cư dân mưu sinh mùa nước nổi. “Ở đây bà con chúng tôi phân chia đồng để đánh bắt cá. Mấy ngày nay phía ruộng nhà tôi nước chưa về nhiều, cá tôm ít, gia đình neo ghe lại chờ chứ không xâm phạm hay đánh bắt bên đồng khác. Những người có ruộng mà không đánh bắt thì cho người khác chứ không hề hẹp hòi, ích kỷ”, bà Nguyễn Thị Út-người dân làm nghề đánh bắt cá mùa nước nổi tại An Giang chia sẻ.
Nhắc đến văn hóa mùa nước nổi ở miền Tây không thể bỏ qua chợ ma Tha La ở tỉnh An Giang-nét văn hóa mua bán độc đáo của người dân miền Tây mùa nước nổi. Sở dĩ có cái tên lạ kỳ như vậy là vì chợ họp vào khoảng 2 giờ sáng và kết thúc khi mặt trời ló rạng. Hàng hóa ở chợ là những sản vật mà bà con đánh bắt được trong mùa nước nổi. Điều đặc biệt là những cuộc mua bán ở chợ diễn ra rất nhanh chóng, bởi lẽ với những người mưu sinh trên sông nước ít ai có tư tưởng gian dối, lọc lừa trong làm ăn. Bà Nguyễn Thị Ngây, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết: “Mùa nước thì bà con đi bắt cá từ ngày hôm trước đến khoảng 2-3 giờ sáng hôm sau. Cá ngon mình bán tiền nhiều, cá dở thì mình bán tiền ít. Mua bán ở đây thì bà con thật thà chứ không hét giá hay giả dối với ai hết. Mình thật thà thì người ta cũng thật thà với mình, mua bán nhanh lẹ, vui vẻ”.
Mùa nước nổi đã góp phần tạo ra nhịp sống, tạo ra con người miền Tây với cái chất phóng khoáng, cởi mở, can trường trước tự nhiên. Nước về người dân vui cùng nước, khổ cùng nước và chắc chắn rằng mỗi mùa nước lớn cũng chính là thời điểm tỏa sáng mãnh liệt nhất về sức sống của người dân vùng sông nước Cửu Long.
Nguồn: https://baolangson.vn/ve-dep-van-hoa-mien-tay-mua-nuoc-noi-5019478.html