Chiều 12/1, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì Hội nghị. |
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các kết quả đạt được của Văn phòng Chính phủ trong năm 2023 là khá toàn diện trên cả 3 mặt công tác và 16 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó nổi bật là:
Thứ nhất, thực hiện tốt việc xây dựng, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành, trình 100% đề án thuộc Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện hơn 18 nghìn nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số nhiệm vụ đã hoàn thành tăng 13,9%, đạt 67,8%; số nhiệm vụ quá hạn giảm, chỉ còn gần 2,2%.
Thứ hai, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều sáng kiến, đóng góp tích cực, hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị, chuẩn bị tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; theo dõi, thẩm tra trình Chính phủ 49 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, dự thảo nghị quyết; tích cực tham mưu trong việc trình các dự án luật, pháp lệnh bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)… những dự án luật quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm, có tác động sâu rộng; đồng thời, phối hợp Bộ Tư pháp rà soát hệ thống văn bản theo Nghị quyết 101/2023/QH15 trong 22 lĩnh vực, với hơn 500 văn bản…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Thứ ba, chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, điều phối có nhiều chuyển biến tích cực, tốt hơn, hiệu quả hơn so năm 2022. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc để nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc tại các địa phương; đã tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, nhạy cảm, phức tạp, tồn đọng kéo dài. Văn phòng Chính phủ cũng xử lý khối lượng công việc thường xuyên ngày càng nhiều, khó, phức tạp, yêu cầu cao hơn.
Cụ thể, đã tiếp nhận, xử lý gần 163.400 văn bản, tăng 7%, phát hành gần 29 nghìn văn bản, tăng 13%, trình Lãnh đạo Chính phủ hơn 14.800 phiếu trình, tăng 12%, ban hành 92 nghị định, 264 nghị quyết, tăng 28%, 33 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, tăng 14%, 32 chỉ thị, tăng 39%, 104 công điện, tăng 23%, 767 thông báo ý kiến kết luận của lãnh đạo Chính phủ, tăng 34%….
Thứ tư, Văn phòng Chính phủ tiếp tục tiên phong và đóng góp tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu thành lập, kiện toàn và triển khai có kết quả Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục vận hành, phát triển các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 10,9 triệu tài khoản, hơn 34 triệu hồ sơ trực tuyến với 20,7 triệu giao dịch, giá trị 9.154 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến.
Thứ năm, Văn phòng Chính phủ có nhiều đóng góp cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Nổi bật là việc phối hợp Văn phòng Quốc hội phục vụ chu đáo 5 kỳ họp Quốc hội; 11 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu tổng hợp, đề xuất giúp Lãnh đạo Chính phủ trả lời hơn 500 kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội…
Thứ sáu, công tác thông tin truyền thông của Văn phòng Chính phủ tiếp tục được đổi mới, chất lượng, hiệu quả hơn; tham mưu, tổng hợp thông tin báo chí. Trang “Xây dựng chính sách, pháp luật” sau hơn 1 năm hoạt động đã có hơn 10 triệu lượt truy cập hằng tháng, được đánh giá là hữu ích với người dân, doanh nghiệp.
Thứ bảy, công tác phục vụ, bảo đảm hậu cần kỹ thuật ngày càng chuyên nghiệp, chu đáo, tin cậy. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức phục vụ gần 1.700 cuộc họp, hội nghị, chuyến công tác của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ.
Thứ tám, công tác xây dựng Đảng được chú trọng; công tác tổ chức, cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng; công tác công đoàn đạt kết quả tích cực. Trong đó, năm 2023 nổi lên một số điểm quan trọng như: Thực hiện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của Văn phòng Chính phủ bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng theo quy định của Đảng. Lần đầu tiên thực hiện tuyển dụng công chức theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Công đoàn Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028…
Đánh giá cao tinh thần “cần cù, trách nhiệm”; “chuyên nghiệp, kịp thời”; “thẳng thắn, trung thực”; “chất lượng, hiệu quả” của công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu và những thành tích mà tập thể các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chính phủ đã đạt được trong năm qua.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Về nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, những khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nhiệm vụ của Chính phủ là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp và phải xử lý nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Do đó, Văn phòng Chính phủ phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tập trung vào:
Một là, làm thật tốt nhiệm vụ xây dựng, triển khai Chương trình, Kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bám sát Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 01, 02, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để thường xuyên đôn đốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, đưa các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực hiện nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản, đề án; kịp thời báo cáo xử lý những vấn đề phát sinh; Văn phòng Chính phủ phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình kịp thời báo cáo tình hình, nguy cơ chậm trễ, không hoàn thành theo tiến độ; cần chủ động “từ sớm, từ xa”, không để hiện tượng gần đến hạn thì các bộ, cơ quan có báo cáo xin lùi, xin hoãn, “nước đến chân mới nhảy là không kịp”.
Hai là, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu tổng hợptrong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và trong xử lý các hồ sơ, tờ trình. Văn phòng Chính phủ cần nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp trong xây dựng thể chế cho xứng tầm đột phá chiến lược. Nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối tránh lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách; đôn đốc trình đúng hạn, không để nợ đọng, không để khoảng trống quyền lực. Phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan trong việc tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ trì trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò điều phối xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết đúng vấn đề, đúng trách nhiệm. Nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tham mưu xử lý nhanh các nhiệm vụ phát sinh, đòi hỏi yêu cầu cấp bách.
Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; quản lý, vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử. Phát huy hiệu quả hơn nữa nhiều kênh thông tin tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Văn phòng Chính phủ. |
Bốn là, tiếp tục đổi mới đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin truyền thông, lan tỏa khát vọng vươn lên của dân tộc. Khẳng định vai trò truyền thông định hướng, dẫn dắt thông tin, phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đưa chính sách vào cuộc sống.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Văn phòng Chính phủ theo dõi sát thông tin dư luận, nhất là những bức xúc của người dân và doanh nghiệp, xử lý hiệu quả, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời đến các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách và biện pháp điều hành của Chính phủ. Phát huy vai trò của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Người phát ngôn của Chính phủ, tại các cuộc họp báo hằng tháng. Phó Thủ tướng lưu ý phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ thật sự bản lĩnh, vững về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.
Năm là, xây dựng Đảng bộ Văn phòng Chính phủ trong sạch, vững mạnh,thật sự thân ái, đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ thật sự bản lĩnh, vững về chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác; chăm lo hơn nữa đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Làm tốt công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan; tiếp tục đổi mới và làm tốt hơn nữa công tác cán bộ,nhất là trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng, triển khai Đề án vị trí việc làm, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Công đoàn Văn phòng Chính phủ cần phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, xây dựng tác phong làm việc văn minh; tổ chức các hoạt động thi đua, văn hóa xã hội phong phú; bảo đảm chế độ, chăm lo tốt hơn nữa đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bảo đảm thu nhập và chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ cho tương xứng với vị trí cơ quan tham mưu tổng hợp cho cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước ta.
Nguồn:https://nhandan.vn/van-phong-chinh-phu-khong-ngung-nang-cao-hon-nua-chat-luong-tham-muu-tong-hop-trong-xay-dung-hoan-thien-the-che-post791870.html