– Đông Bắc là một trong 7 vùng văn hoá lớn của Việt Nam. Nơi đây có núi non kì vĩ, phong cảnh hữu tình nên thơ, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau. Chính sự đa dạng tộc người đã làm phong phú về bản sắc văn hóa, với nhiều đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể.
Vùng Đông Bắc Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Hmông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Pà Thẻn, Thổ… thuộc các nhóm ngôn ngữ Việt – Mường; Tày – Thái; Hmông – Dao; Hán – Tạng; Ka đai. Sự đa dạng về thành phần các dân tộc cũng đồng nghĩa với việc đa dạng về ngôn ngữ, trang phục, lối sống, ngành nghề thủ công… Vốn văn hóa của các dân tộc trong vùng đã góp phần tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.
Bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng
Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc là lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, Nùng.
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Lạng Sơn cho biết: Nghi lễ chính của lễ hội lồng tồng là rước thần đình và thần nông ra đồng, để vừa tạ ơn đất trời, vừa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau phần lễ, phần hội thường là các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, tung còn, nhảy sạp… Ngày nay, lễ hội lồng tồng không chỉ dành riêng cho đồng bào bản địa mà còn là nơi để hàng nghìn du khách đến giao lưu tìm hiểu và tận hưởng không khí vui tươi trong ngày xuân mới. Hầu hết các nơi có đồng bào Tày, Nùng cư trú thì đều có hội lồng tồng như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên…
Bên cạnh lễ hội, ẩm thực cũng là một trong những thành tố đặc trưng của vùng, với nhiều món ăn nức tiếng cả nước được du khách tìm đến thưởng thức. Một số món ăn, thức uống đặc sản nổi tiếng của vùng như lợn quay, vịt quay (Lạng Sơn); cơm lam Định Hóa (Thái Nguyên); bánh khảo (Cao Bằng); chè xanh (Thái Nguyên); rượu ngô (Hà Giang)…
Trong số các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc thì người Tày, Nùng là cư dân bản địa lâu đời nhất, có số dân đông nhất. Người Tày, Nùng hiện đang sở hữu di sản văn hoá thực hành tín ngưỡng then – một loại hình diễn xướng văn hoá dân gian được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại năm 2019. Tại vùng Đông Bắc, hát then có ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang. Hát then, đàn tính ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, phản ánh từ chuyện đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi.
Đông Bắc còn sở hữu hệ thống các núi, đồi, sông, hồ, hang động, đặc điểm khí hậu, các khu bảo tồn, suối nước nóng, đặc biệt là hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Trong đó, điển hình có thác Bản Giốc (Cao Bằng), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc)…
Vùng Đông Bắc còn được biết đến là cái nôi của cách mạng với chiến khu Việt Bắc, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Hang Pác Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên) và các di tích gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông như Ải Chi Lăng (Lạng Sơn);… Đặc biệt, vùng Đông Bắc có đường biên giới quốc gia dài gần 800km và hệ thống cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là tiềm năng phát triển du lịch biên giới.
Vươn mình, hội nhập và phát triển
Thời gian qua, các địa phương trong vùng Đông Bắc đã khai thác các giá trị văn hóa, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động hiệu quả như: du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), du lịch cộng đồng của người Tày ở xã Bắc Quỳnh (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn)…
Ngoài ra, trên địa bàn vùng Đông Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng phát triển các khu du lịch quốc gia gồm: Thác Bản Giốc (Cao Bằng); Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tân Trào (Tuyên Quang); Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Tam Đảo (Vĩnh Phúc);…
Việc liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch ngày càng được các tỉnh vùng Đông Bắc chú trọng, trong đó phải kể đến một số hoạt động nổi bật được tổ chức định kỳ như: “Qua những miền di sản Việt Bắc”; ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc…
Gắn kết với các sự kiện, hoạt động nổi bật nêu trên, ngành du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc đã chủ động ký kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng Đông Bắc với các địa phương khác như: Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Nhờ đó, du lịch vùng Đông Bắc đã có những bước phát triển vượt bậc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ liên kết trong nước, các tỉnh vùng Đông Bắc còn đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế trong phát triển toàn diện các lĩnh vực. Vùng Đông Bắc đã ngày càng khẳng định vai trò tiếp nối giao lưu, hợp tác phát triển văn hoá, kinh tế du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực phía Bắc Á, Châu Âu, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Thái Bình Dương… Trong đó phải kể đến chương trình thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh (Việt Nam) với Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)…
Sự hội nhập của các tỉnh vùng Đông Bắc đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Qua các chương trình giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế, các tỉnh đã chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Với những nỗ lực không ngừng, các tỉnh vùng Đông Bắc đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển chung của cả nước. Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được lập hồ sơ khoa học, xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Nổi bật, nhiều nét đẹp trong di sản văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc được quảng bá rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới như: di sản thực hành Then của người Tày, Nùng đã được UNESCO công nhận; các di sản địa chất, văn hóa vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
Nhiều khu, điểm du lịch của vùng Đông Bắc đã nhận được những giải thưởng danh giá của World Travel Awards (giải thưởng danh giá nhất của Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới), tiêu biểu như: Hà Giang được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023; cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn của Việt Nam là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2024” và Premier Village Ha Long Bay Resort, Quảng Ninh là “Khu nghỉ dưỡng cho gia đình hàng đầu châu Á 2024”… Qua đó, khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Đông Bắc trên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cùng với cả nước, vùng Đông Bắc ngày càng vươn mình đổi mới, phát triển du lịch xanh, sạch, đẹp, hài hòa, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn một vùng biên cương có giao thương sôi nổi, du lịch phát triển, góp phần bảo vệ chủ quyền, khẳng định nền văn hoá độc lập nhưng cũng chủ động trong công cuộc hội nhập sâu rộng của đất nước.
Nơi hội tụ tinh hoa văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc
Với chủ đề “Đông Bắc – Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch (VHTT&DL) các dân tộc vùng Đông Bắc diễn ra từ ngày 2 – 4/11/2024 tại thành phố Lạng Sơn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của 8 tỉnh tham gia ngày hội gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên, hứa hẹn sẽ đem tới ngày hội những nét văn hóa đặc trưng riêng của các dân tộc vùng Đông Bắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân và du khách.
|
Nguồn: https://baolangson.vn/dac-sac-van-hoa-cac-dan-toc-vung-dong-bac-5026739.html