Không chỉ những ngày xuân, đến miền đất Bắc Ninh vào bất kể thời gian nào, ta cũng được nghe những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Không chỉ trong lễ hội, trong những canh hát, người quan họ mới dùng những câu ca trong câu mời nước, trong câu chúc tụng… Những đứa trẻ sinh ra nghe hát ru bằng câu quan họ từ thuở lọt lòng, tắm mình trong không khí quan họ. Người quan họ đã sớm gieo hạt, ươm mầm tình yêu cho các thế hệ từ khi thơ bé, để rồi những cô bé, cậu bé lên năm, lên sáu sớm được đằm mình trong câu dân ca.
Hội Lim năm nay, trong 12 lán trại hát quan họ, lần đầu tiên có tới hai câu lạc bộ quan họ măng non tham dự, gồm Câu lạc bộ Quan họ măng non thôn Lộ Bao (xã Nội Duệ) và Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn đều thuộc huyện Tiên Du. Và điều đó hé mở nhiều bất ngờ về những câu hát của các liền anh, liền chị nhí.
Tuổi lên năm đã đằm câu hát
Ðiều chẳng ngờ các khu lán trại của liền anh, liền chị nhí lại thu hút đông đảo khán giả hơn cả. Những cô bé chít khăn mỏ quạ, áo mớ ba, mớ bảy bưng khay trầu cánh phượng như trong cổ tích bước ra. Những cậu bé áo the, khăn xếp vẫn còn lúng túng chưa quen xuất hiện nơi đông người. Ấy thế mà qua khúc dạo đầu có phần ngượng nghịu, những câu ca “Mời nước mời trầu”, “Người ơi người ở…” vang lên khiến ai nấy đều bị níu bước chân đi. Những cô bé, cậu bé như tan mình vào những luyến láy của các câu ca cổ. Những “vang, rền, nền, nẩy” cứ tuôn trào một cách tự nhiên.
Nhiều khán giả vừa thưởng thức, vừa gật đầu thán phục. Kết thúc bài hát lại là những cái cúi đầu e thẹn. Khi được hỏi về quan họ, đôi má những liền chị nhí lại ửng đỏ một cách hồn nhiên đúng như lứa tuổi mới lên năm, lên mười. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ măng non thôn Lộ Bao Nguyễn Thị Hoàn đã tròn tuổi thất thập, nhưng hôm nay, liền chị cao niên cười rạng rỡ như trở lại cái thuở giao duyên khi mới đôi mươi, mười tám mà khoe rằng: “Liền anh, liền chị nhí của bọn mình lên năm, lên mười mà đều thâm niên quan họ cả đấy. Có đến 40 cháu. Ở đất Nội Duệ, còn nhiều cháu học hát từ ông bà, cha mẹ nữa đấy”. Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2008, nhưng năm nay những liền anh, liền chị nhí của thôn Lộ Bao mới “ra quân” ở sân khấu lớn.
Cũng không “thua chị kém em” về lượng khách là những màn diễn của liền anh, liền chị nhí đến từ Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn. Xã Hoàn Sơn vốn có Câu lạc bộ quan họ của thôn Ðại Sơn, nhưng rồi do sự phát triển “ngoài dự kiến”, nhiều cô bé, cậu bé đến xin học, nhiều người gửi gắm con cháu đến nên Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn được tách ra. Chị Hai Nguyên (Nguyễn Thị Nguyên) Chủ nhiệm Câu lạc bộ gần 10 năm qua kể từ ngày thành lập, nhớ lại: “Ở miền Kinh Bắc, ngay từ thơ bé, các con đã được “tắm” mình trong những câu quan họ, cho dù nhiều nơi không phải là làng quan họ gốc.
Ngày ấy ở Hoàn Sơn có nhiều bé mê quan họ mà không có nơi sinh hoạt, chúng tôi mới mạnh dạn xin thành lập câu lạc bộ cho các bé. Các liền anh, liền chị đều dạy miễn phí. Nhưng với chúng tôi, được trao truyền những gì mình đam mê cũng là điều hạnh phúc. Gần 10 năm hoạt động, Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn có 30 thành viên, trong đó liền anh, liền chị “út” mới bốn năm tuổi thôi”.
Do đặc thù các thành viên còn đi học nên mỗi tuần, câu lạc bộ sinh hoạt hai buổi, một buổi vào thứ tư, buổi còn lại vào cuối tuần. Học quan họ không chỉ học lời ca, tiếng hát, mà học cả cách ứng xử nên trong các buổi học, liền chị nhí đều vận những bộ cánh mớ ba, mớ bảy, các liền anh nhỏ tuổi mặc áo the, khăn xếp. Mặc những bộ quần áo của đất quan họ, các bé sẽ ý thức mình là “người quan họ”, chú ý rèn luyện cả ý tứ, cung cách.
Ở Hoàn Sơn, các liền chị, liền anh lớn tuổi vẫn truyền dạy theo lối xưa. Thầy hát trước, trò theo sau, rồi cứ thế chỉnh sửa. Ngoài học hát, các em còn được thực hành cách têm trầu cánh phượng và tìm hiểu, thực hành cách mặc trang phục quan họ, cách biểu diễn trên sân khấu… Vì thế, dù lớn lên, mỗi người mỗi nghề, nhưng cái tình quan họ là cái không bao giờ dứt được.
Sự trân trọng của cộng đồng
Cách đây hơn 20 năm, lần đầu đến với ngày hội ở đất tổ quan họ làng Diềm (nay thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), chúng tôi tình cờ được thưởng thức một canh hát. Dù được tổ chức một cách khá ngẫu hứng, chưa đúng lề lối xưa, nhưng canh hát đó lại chứa nhiều điều thú vị. Khi đó, các liền anh ở Bịu Sim (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) đạp xe đến chơi hội làng Diềm. Chơi hội xong, những anh cả, anh hai được mời về nhà các chị cả, chị hai làng Diềm giao lưu. Ðôi bên đều đã ngoài 70, 80 tuổi. Chiếu hoa trải xuống, bên liền anh, bên liền chị ngồi đối mặt nhau.
Và rồi những liền anh, liền chị đầu bạc “đối thoại” với nhau qua những câu ca. Ðang khi trao gửi ân tình qua những làn điệu quan họ, thì một cô bé quãng năm, sáu tuổi lon ton chơi ở sân. Ðó là cháu nội của chị cả quan họ chủ nhà. Chị cả gọi cháu vào, bảo: “Bây giờ con bắt giọng “Tương phùng, tương ngộ” cho ông bà nghe thử xem nào”. Ngồi trong lòng bà, cô bé bắt đầu í a bài hát rất thân quen của miền Kinh Bắc này… Nghe tâm tình của các liền anh, liền chị mới biết, đó không phải chuyện riêng của nhà chị cả quan họ. Ðó là câu chuyện của tất cả liền anh, liền chị có mặt trong canh hát hôm ấy.
Thế hệ nọ truyền dạy cho thế hệ kia. Ngày ấy, quan họ chưa được biết đến nhiều ở tầm quốc gia, quốc tế như bây giờ, nhưng người Bắc Ninh vẫn thế. Xã hội thăng trầm, chiến tranh, kinh tế khó khăn, vẫn không gì ngăn được những câu ca quan họ trao truyền dưới những nếp nhà của người quan họ. Người ta sử dụng những vần, những điệu của quan họ trong cuộc sống thường ngày, từ câu mời nước, mời cơm, câu chúc tụng… Và có đứa trẻ nào lớn lên lại không nghe hát ru bằng quan họ?!
Nhưng rồi, tình yêu quan họ không chỉ hình thành một cách tự nhiên trong nếp sống, trong sự trao truyền giữa những thành viên trong gia đình. Những câu lạc bộ quan họ măng non ra đời khắp các nẻo đường của đất Bắc Ninh-Kinh Bắc. Có nhiều nơi, tuy chưa có câu lạc bộ như ở Hoàn Sơn, Nội Duệ, thị trấn Lim, huyện Yên Phong có Câu lạc bộ Phấn Ðộng (xã Tam Ða), phong trào hát quan họ nhí vẫn rất phát triển ở thành phố Bắc Ninh, với các phường: Khúc Xuyên, Hòa Long, Vạn An, Kinh Bắc, Suối Hoa, Vân Dương… Các lớp học đều miễn phí, nét đẹp quan họ được truyền tải bằng tình yêu, niềm đam mê của các liền anh, liền chị thế hệ trước.
Và ở địa phương, các câu lạc bộ chủ yếu tập hợp những bạn nhỏ say mê và có năng khiếu thì khi đến trường, bất kỳ học sinh nào cũng trải qua những tiết học về quan họ.
Từ năm học 2011-2012, Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh và đưa vào giảng dạy ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông trên toàn tỉnh. Việc giảng dạy được thực hiện bảo đảm phù hợp đặc điểm lứa tuổi, có sự kết hợp giữa hình thức truyền khẩu dân gian của các nghệ nhân và giảng dạy của giáo viên. Mỗi năm học các em được tham gia sáu buổi ngoại khóa, hướng tới mỗi học sinh có thể hát được ít nhất một bài quan họ truyền thống. Những hoạt động văn nghệ, những ngày lễ, dịp kỷ niệm… trong trường học không bao giờ thiếu những câu ca quan họ của các liền anh, liền chị nhí.
Sự trân trọng từ gia đình, từ phía chính quyền, từ các nghệ nhân với những câu hát dân ca là điều không phải nơi nào cũng có được như ở Bắc Ninh. Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Thị Hài, sinh năm 1956, khu Viêm Xá, phường Hòa Long (tức làng Diềm cũ, thành phố Bắc Ninh), người nhiều năm truyền dạy quan họ đến các thế hệ trẻ, chia sẻ: “Hè nào tôi cũng tham gia các lớp truyền dạy quan họ cho thiếu nhi. Ðược sinh ra và lớn lên trên đất thủy tổ quan họ, việc gìn giữ quan họ, truyền dạy cho các cháu, đối với tôi, đó là nhu cầu, nhu cầu được trao đi những nét đẹp của quê hương”.
Từ chỗ có 44 làng quan họ gốc, 34 câu lạc bộ quan họ, thì nay Bắc Ninh có 150 làng quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ quan họ. Và con số ấy, hẳn sẽ còn tiếp tục sinh sôi nhờ tình yêu được ươm mầm ở các cô bé, cậu bé mới lên năm, lên sáu.