UNESCO đã đưa ra yêu cầu đối với Công viên địa chất ứng viên là phải có những giá trị nổi bật về địa chất, cảnh quan thiên nhiên, nhất là phải có điểm khác biệt so với những công viên địa chất khác.
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023, điều chỉnh phạm vi ranh giới tại 8/11 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).
Công viên địa chất Lạng Sơn có những giá trị đa dạng, khác biệt về địa chất và cảnh quan thiên nhiên, được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst…
Thời gian qua, tỉnh nỗ lực xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị di sản về địa chất, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của địa phương.
Tỉnh bước đầu hình thành 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn gồm: Khám phá thế giới thượng ngàn; hành trình về miền thiên giới; cuộc sống dân dã nơi trần thế; đường đến thủy cung…
Trước đó, trong Chương trình thẩm định thực địa hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, từ ngày 6 – 9/7, Đoàn chuyên gia UNESCO đã thực địa tại 26/38 điểm tham quan trên 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn.