Bắt đầu từ năm 2024, sân bay Changi của Singapore sẽ triển khai thủ tục nhập cảnh tự động, cho phép hành khách thông quan mà không cần hộ chiếu, chỉ sử dụng dữ liệu sinh trắc học.
Bắt đầu từ năm 2024, sân bay Changi của Singapore sẽ triển khai thủ tục thông quan tự động, không cần hộ chiếu. (Ảnh: CNA) |
Bộ trưởng Truyền thông Josephine Teo cho biết, trong đó một số thay đổi đối với Đạo luật Nhập cư của đất nước đã được thông qua hôm 18/9. “Singapore sẽ là một trong số ít quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng quy trình nhập cảnh tự động, không cần hộ chiếu”, bà Josephine Teo nói.
Công nghệ sinh trắc học, cùng với phần mềm nhận dạng khuôn mặt, vốn đã được sử dụng ở một mức độ nào đó tại sân bay Changi tại các làn tự động tại các điểm làm thủ tục nhập cảnh.
Nhưng những thay đổi sắp tới sẽ “giảm việc hành khách phải liên tục xuất trình giấy tờ thông hành của họ tại các điểm làm thủ tục nhập cảnh và cho phép việc thông quan được liền mạch và thuận tiện hơn”, bà Josephine Teo nói.
Sinh trắc học sẽ được sử dụng để tạo ra một “mã thông báo xác thực duy nhất” cho phép hành khách sử dụng tại nhiều điểm làm thủ tục tự động khác nhau – từ gửi hành lý đến làm thủ tục nhập cảnh và lên máy bay. Việc này giúp loại bỏ nhu cầu về giấy tờ thông hành vật lý như thẻ lên máy bay và hộ chiếu.
Người đứng đầu Bộ Truyền thông Singapore giải thích thêm, về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng, chỉ có các công ty Singapore mới có thể đảm nhận các dự án công nghệ thông tin liên quan đến Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (ICA). Nhân viên của họ phải trải qua kiểm tra an ninh và được cấp phép trước khi họ có thể làm việc trong dự án. Các nhà cung cấp sẽ bị ràng buộc bởi một thỏa thuận không tiết lộ và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm.
Đối với các chuyến khởi hành theo hình thức thông quan bằng sinh trắc học từ sân bay Changi, Tập đoàn Sân bay Changi (CAG) sẽ bị ràng buộc bởi thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với ICA.
Dữ liệu của hành khách sẽ được mã hóa và đi qua các cổng trao đổi dữ liệu được bảo mật. Chỉ có Bộ trưởng Nội vụ chấp thuận việc yêu cầu truy cập và tiết lộ dữ liệu cho các mục đích giới hạn trong những gì được nêu trong Đạo luật Di trú của Singapore, chẳng hạn như thực thi luật hình sự.
Về khả năng gây gián đoạn hệ thống như mất điện, bà Josephine Teo cho biết, các hệ thống tự động nhận diện sinh trắc học có “khả năng chuyển đổi dự phòng” chẳng hạn như nguồn cung cấp điện liên tục để khách du lịch có thể tiếp tục sử dụng cổng tự động ngay cả khi mất điện.
Hoặc với những hành khách không thể cung cấp một số thông tin sinh trắc học nhất định hoặc không am hiểu về kỹ thuật số, vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ của các nhân viên sân bay để làm thủ tục thông quan.
Thường được xếp hạng là sân bay tốt nhất thế giới và cũng là một trong những sân bay bận rộn nhất, sân bay Changi của Singapore phục vụ hơn 100 hãng hàng không bay đến 400 thành phố ở khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trong tháng 6 năm nay, sân bay này đã xử lý 5,12 triệu lượt hành khách, lần đầu tiên vượt mốc 5 triệu kể từ tháng 1/2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Sân bay Changi đang dự kiến sẽ quay trở lại mức độ vận chuyển hành khách và hàng không như trước đại dịch. Hệ thống làm thủ tục tự động bằng sinh trắc học được kỳ vọng sẽ giúp các chuyến bay vận hành trôi chảy hơn.
Bộ trưởng Truyền thông Singapore nói: “Hệ thống nhập cảnh của chúng ta phải có khả năng quản lý lượng hành khách ngày càng tăng một cách hiệu quả và mang lại trải nghiệm thông quan tích cực, đồng thời bảo đảm an ninh của chúng ta”.
Tương lai của vận tải hàng không thế giới
Các nhà quan sát cho biết, việc vận chuyển liền mạch đang được ưa chuộng trên khắp thế giới và công nghệ nhận dạng sinh trắc học có thể sớm trở thành tương lai của của ngành vận tải hàng không thế giới.
Năm 2018, sân bay Quốc tế Dubai đã giới thiệu các “Cổng thông minh” sinh trắc học, sử dụng nhận dạng khuôn mặt để xác minh danh tính của hành khách chỉ trong 5 giây. Hành khách cũng được phép sử dụng dấu vân tay hoặc quét khuôn mặt để xác thực thay vì dựa vào hộ chiếu thực.
Ở nhiều nơi khác trên thế giới, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng ở một mức độ nào đó tại các sân bay quốc tế Hồng Kông (Trung Quốc), sân bay quốc tế Tokyo Narita và sân bay quốc tế Tokyo Haneda (Nhật Bản), Indira Gandhi International ở Delhi (Ấn Độ), London Heathrow (Anh) và Paris Charles de Gaulle (Pháp), cùng nhiều sân bay khác.
Căn cước kỹ thuật số, tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ở Aruba, cho phép hành khách đi lại bằng cách sử dụng phiên bản kỹ thuật số bảo đảm của hộ chiếu trên điện thoại di động.
Tại Mỹ, các hãng hàng không lớn như American Airlines, United và Delta đã thử nghiệm dịch vụ làm thủ tục sinh trắc học, gửi hành lý và cổng lên máy bay tại một số sân bay được chọn trong vài năm qua.