Sau thời gian thử nghiệm một năm không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần đã mang lại nhiều kết quả tích cực với hệ sinh thái, chính quyền huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết từ 15/9, du khách sẽ phải tuân thủ quy định chính thức về việc không mang theo túi nilon và các vật dụng nhựa sử dụng một lần ra các đảo thuộc huyện Cô Tô.
Đoàn công tác huyện Cô Tô tuyên truyền và cung cấp túi giấy thay thế túi nilon cho du khách trong giai đoạn đầu thí điểm. (Ảnh: Trung tâm Thông tin-Văn hóa huyện Cô Tô) |
UBND huyện đảo Cô Tô cho biết, đây là yêu cầu bắt buộc nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường biển.
Không chỉ với du khách, tất cả các cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch, các tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện đảo cũng không được sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần.
Để triển khai quy định này, công an huyện và bộ đội biên phòng sẽ lập chốt kiểm soát tại cảng Cô Tô. Các đơn vị vận tải, tàu khách, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú vừa phổ biến quy định vừa thay thế đồ nhựa bằng các đồ với chất liệu thân thiện với môi trường.
Từ tháng 8/2022, huyện đảo đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa một lần và sau một năm thử nghiệm đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Ý thức về việc sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường của người dân tại huyện đảo được nâng cao hơn. Người dân và chính quyền cùng phối hợp để dọn rác thải định kỳ ở những bãi tắm, đường xá, thu gom nước thải để xử lý giúp vùng biển đảo Cô Tô ngày càng trong sạch.
Môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo đã xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt.
Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đón từ 6.000 – 8.000 khách du lịch. Trước khi thử nghiệm việc ngừng sử dụng nhựa dùng một lần, vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn/ngày. Lượng rác thải từ du lịch cũng là một gánh nặng cho môi trường huyện đảo. Quỹ đất để chôn lấp rác thải rất ít, chi phí vận chuyển rác thải nhựa khi đã được phân loại về đất liền cũng khá lớn.
Chính vì vậy, việc ngừng sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại huyện đảo Cô Tô là góp phần hồi sinh môi trường biển, phát triển du lịch bền vững.