Nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới khách hàng việc cập nhật căn cước công dân mới nhất, đảm bảo thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, các trường hợp không cập nhật chuẩn hóa thông tin sẽ phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại Trụ sở/Chi nhánh/Phòng giao dịch của công ty chứng khoán (không được giao dịch trực tuyến) và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi Nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy.
Vì vậy, để tránh gián đoạn trong quá trình giao dịch, các công ty chứng khoán như Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán TP HCM, CTCP Chứng khoán Vietcap, CTCK Chứng khoán FPT… đề nghị khách hàng cập nhật thông tin Căn cước công dân/Căn cước (bản mới nhất, có gắn chip). Đa phần các công ty chứng khoán có hai hình thức giúp khách hàng cập nhật thông tin đó là trực tuyến và tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán.
“Theo Công văn số 4501/UBCK-CNTT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 19/07/2024 về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư, kể từ ngày 01/10/2024, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, các trường hợp không cập nhật chuẩn hóa thông tin sẽ phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại Trụ sở/Chi nhánh/Phòng giao dịch của công ty chứng khoán (không được giao dịch trực tuyến) và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi Nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy”, thông báo của FPTS nêu.
Nếu cập nhật online, FPTS yêu cầu nhà đầu tư gửi ảnh chụp hai mặt của căn cước công dân mới với yêu cầu ảnh nét, rõ mặt và số và CMND cũ hoặc thông tin mã QR trên căn cước công dân mới qua email để hoàn tất thủ tục thay đổi thông tin cá nhân.
Các công ty chứng khoán khuyến cáo kể từ ngày 1/10/2024, trong trường hợp khách hàng chưa thực hiện cập nhật thông tin để chuẩn hoá dữ liệu, các đơn vị này sẽ buộc phải dừng cung cấp các dịch vụ giao dịch trực tuyến trên tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng theo yêu cầu của UBCKNN. Các trường hợp này sẽ phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu.
Trước đó, đầu năm 2024, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối soát, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán và người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, hoàn thành trong tháng 3. Trước đó, vào giữa tháng 12/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Công an phối hợp để sớm làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư nhằm nâng cao tính an toàn của thị trường.
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 7/2024, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 8,11 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Nguồn: https://baolangson.vn/tu-1-10-phai-cap-nhat-can-cuoc-de-giao-dich-chung-khoan-online-5018669.html