– Huyện Bình Gia đang tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó, từng bước mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Để “lấy ngắn nuôi dài”, chính quyền, ngành chức năng huyện đã định hướng cho các hộ trồng rừng tích cực trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng.
Ông Vũ Văn Nguyễn, (thôn Đội Cấn 1, xã Hoa Thám) chăm sóc cây sa nhân
Ông Vũ Văn Nguyễn, (thôn Đội Cấn 1, xã Hoa Thám) là một trong những hộ có diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhiều nhất toàn huyện. Theo ông Nguyễn, gia đình chủ yếu tập trung trồng hồi và mắc ca, nhưng được sự hướng dẫn từ phòng chuyên môn của huyện, ông đã bắt tay vào trồng hơn 4 ha cây sa nhân tím. Từ đầu năm 2023 đến nay, thu nhập từ bán quả sa nhân đã được hơn 80 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây sa nhân, đầu năm 2023, ông Nguyễn cùng 6 hộ khác trong Hợp tác xã Lâm Thịnh Phát trồng thêm hơn 6 ha sa nhân.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia, từ năm 2020 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu, gần 50 hộ trồng rừng trên địa bàn huyện bắt đầu trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng như cây sa nhân tím, cát sâm, chè hoa vàng… Theo đó, diện tích các loại cây dược liệu dưới tán rừng của huyện hiện có gần 32ha, một số diện tích trồng đã bắt đầu cho thu hoạch.
Được biết, giá trị kinh tế của những loại cây dược liệu đang được trồng tại huyện Bình Gia khá cao. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện, hiện các tư thương thu mua quả sa nhân tươi là 65 – 70 nghìn đồng/kg, hạt cát sâm là 600 nghìn đồng/kg hạt khô, đặc biệt là chè hoa vàng, hoa tươi sau thu hoạch đã bán được với giá 600 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, một số hộ thực hiện trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng như sa nhân tím, cát sâm, chè hoa vàng… trên địa bàn huyện Bình Gia đã có thu nhập trung bình từ 50 – 150 triệu đồng/năm tùy vào diện tích trồng. Từ năm 2020 đến nay, doanh thu từ bán dược liệu của các hộ dân được khoảng 2 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, các hộ có thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển rừng nguyên liệu và rừng gỗ lớn. Cùng đó, việc phát triển cây dược liệu không chỉ giúp bà con trồng rừng nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý.
Ông Lương Ngọc Toản, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh phát triển các loài cây lấy gỗ, việc phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng đã và đang giúp người dân tăng thu nhập; tận dụng quỹ đất hiện có và đa dạng các loại cây trồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện đang tiếp tục phối hợp với chính quyền một số xã xây dựng mô hình trồng dược liệu. Đồng thời, xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ đối với các hộ trồng rừng tham gia trồng cây dược liệu dược liệu dưới tán rừng.
Từ nay đến hết năm 2025, huyện đặt mục tiêu trồng khoảng 300ha cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó, tập trung xây dựng vùng trồng cây chè hoa vàng và sa nhân. Việc phát triển diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng đã và đang góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, tận dụng tốt diện tích dưới tán rừng để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.