Từ ngày 15/11 đến hết 31/12, Triển lãm Tường Biển của họa sĩ Văn Ngọc diễn ra tại một tầng bê-tông thô của tòa nhà dân cư đối diện Bến xe khách Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong không gian rộng hơn 1.000m2, họa sĩ Văn Ngọc (sinh tại tỉnh Phú Thọ) giới thiệu hơn 60 tác phẩm đa chất liệu, ghép nhiều kích cỡ (phần nhiều là 122cm x 244cm), gồm cả điêu khắc và sắp đặt.
Triển lãm mang phong cách xếp đặt lồng trong xếp đặt giàu tương tác, cởi mở, dành cho đại chúng.
Đây là triển lãm lần thứ 23 của Văn Ngọc, kể từ lần triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1995 tại Tòa soạn báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông được giới nghệ thuật Việt Nam và quốc tế công nhận là “một trong những nghệ sĩ sắp đặt tiên phong và thành công nhất Việt Nam” (anh là nghệ sĩ sắp đặt sớm nhất của Việt Nam).
Anh cũng là nghệ sĩ đầu tiên, với tác phẩm “Dư Chấn” sắp đặt ngoài trời Vũng Tàu năm 2005 đã khiến Hội Mỹ Thuật Việt Nam, lần đầu tiên, mở ra một giải thưởng mà trước đó Mỹ thuật Việt Nam chưa từng có: Giải Thưởng dành cho các tác phẩm sắp đặt.
Với Tường Biển, họa sĩ Văn Ngọc chọn ra từ trong khoảng 100 tác phẩm thực hiện trong 3 năm liên tiếp, là sự tiếp nối tâm thức của ông về các tác động của biển đến đời sống con người, được nhen nhóm từ tác phẩm sắp đặt Dư Chấn (Giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2006).
Nếu Dư Chấn biểu hiện mạnh mẽ nỗi trắc ẩn của một tâm hồn nghệ sĩ trước thảm họa động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004, thì Tường Biển của gần 20 năm sau, là những biểu đạt giàu xúc cảm từ cuộc sống thường nhật ở Vũng Tàu, nơi tác giả từ miền trung du Phú Thọ chọn định cư năm 1993; đến những miền, lãnh thổ tiếp giáp 3/4 diện tích nước của trái đất; đặc biệt là những vùng biển mà cơn bão Yagi đi qua đầu tháng 9 năm nay.
Bắt đầu từ sóng biển, Tường Biển là diễn giải nghệ thuật của Văn Ngọc về sức mạnh của thiên nhiên khi chứng kiến các hình thái khác nhau của con sóng trong khoảnh khắc gặp vật cản.
Ở tầng nhìn sâu hơn, Tường Biển là cảm hứng suy tư về bản chất hệ thống bờ kè, cấu trúc các công trình “phòng thủ bờ biển”, hàng rào bảo vệ tính mạng, tài sản, văn hóa, kiến trúc, nơi cư ngụ của con người khỏi những tác động không ngừng nghỉ của tự nhiên.
Không còn những chất liệu làm liên tưởng tính bản địa như những gì chúng ta từng biết về Văn Ngọc, Tường Biển là một màu bê tông xám rộng hơn ngàn mét vuông, không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc. Người xem có thể bắt đầu với Tường Biển từ bất kỳ góc nào. Bởi mỗi tác phẩm đa chất liệu, cả các hình khối xếp đặt, không gian trưng bày, đều mang tên Tường Biển.
Giữa những vụn vỡ tường trần, xi-măng, xà bần, cùng các tác phẩm trắng bạc xám, đồng nhất về chủng loại vật liệu và gam màu, Tường Biển “phơi bày” không trang hoàng con người nghệ sĩ, cũng là lối “kể chuyện” chỉ riêng ở Văn Ngọc: mạnh mẽ, tươi mới, nguyên bản, không gọt giũa, không pha trộn, và… xuất phát từ cuộc sống.
Ở Tường Biển, ta có thể cảm nhận rõ rệt sự tiết chế và cô đọng đến mức cùng cực của Văn Ngọc, không chỉ ở phần vật liệu, tông màu, mà cả phần hình. Những đường nét gần như không còn gợi hình, mà trở thành những hình khối mơ hồ, hay những đường kỷ hà vô thức, vu vơ… Ngay cả hình nhân cũng là những nét sổ thẳng, góc mặt ngây ngô…
Tường Biển cũng gợi nhiều suy tư trừu tượng. Sự trừu tượng không phải trên bề mặt mà trong không gian. Cái trạng thái không gian mà tác giả tạo ra làm người ta ngơ ngác. Cái cảm vật liệu và để chúng nguyên bản cất lời của ông thật đặc biệt.
Theo các chuyên gia về mỹ thuật, truyền cảm là tính đại chúng của Tường Biển. Bởi câu chuyện của nó là một phần “sự sống” có ý thức không thuộc về một quốc gia, khu vực, vùng miền nào.
Một lần nữa, với quan điểm “Nghệ thuật không giải thích, tôi làm nghệ thuật bắt đầu từ những cảm giác của tôi về cuộc sống”, Văn Ngọc tiếp tục khơi gợi người xem những luồng ý niệm đa chiều về “tự do thẩm mỹ” song song thách thức người xem suy ngẫm về vai trò của con người trong mối liên hệ sâu sắc với biển.
Nguồn: https://baolangson.vn/trien-lam-tuong-bien-cua-hoa-si-van-ngoc-5028731.html