“Chuyện đình trong phố” là dự án đánh thức các ngôi đình trong khu vực Phố cổ Hà Nội bằng những không gian nghệ thuật công cộng mang hơi hướng đương đại. Mới đây, Khoa Công nghệ văn hóa và Di sản thuộc Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng UBND phường Hàng Trống tổ chức tour trải nghiệm cùng tên, hứa hẹn lan tỏa những câu chuyện văn hóa đầy sống động giữa lòng phố thị.
Theo thống kê từ nghiên cứu của Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, hiện nay trên phố cổ có khoảng hơn 60 ngôi đình, trong đó chỉ còn 20 ngôi đình nguyên vẹn, số còn lại đã bị thay thế hoàn toàn bằng một công trình khác. Ngoài thờ Thành hoàng làng, thờ nhân thần, phần lớn đình được lập nên để thờ các vị tổ nghề của đất Thăng Long.
Nhận thấy nhiều giá trị văn hóa, lịch sử hiện hữu trong không gian của các ngôi đình tại khu vực Phố cổ Hà Nội, trong khoảng 1 năm trở lại đây, Dự án “Chuyện đình trong phố” đã được quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng nhóm nghệ sĩ triển khai thực hiện tại 7 ngôi đình: Hà Vỹ (11 phố Hàng Hòm, thờ tổ nghề sơn Trần Lư), đình Tú Thị (2A phố Yên Thái, thờ tổ nghề thêu Lê Công Hành), đình Yên Thái (số 8 ngõ Tạm Thương, thờ Nguyên phi Ỷ Lan), đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống, thờ thần Long Đỗ, Linh Lang, Cao Sơn), đình Trúc Lâm (40 phố Hàng Hành, thờ tổ nghề da giày Nguyễn Thời Trung), đình Trung Yên (số 10 ngõ Trung Yên, thờ ông Mỗ – Tiến sĩ thời Mạc) và đình Phúc Kiến (vốn là Hội quán Phúc Kiến, số 40 Lãn Ông, thờ Thiên Hậu).
Nhằm gắn kết những không gian truyền thống với nghệ thuật đương đại, tour “Chuyện đình trong phố” là “cánh tay nối dài” của dự án cùng tên trên bản đồ di sản của Thủ đô Hà Nội, đóng vai trò liên kết các ngôi đình lại thành một quần thể tâm linh, qua đó gợi nhắc khách tham gia về những nếp văn hóa xưa của người Việt.
Trong khoảng 2 tiếng, tour “Chuyện đình trong phố” đã ghé thăm 4 ngôi đình, bao gồm: Nam Hương, Phả Trúc Lâm, Tú Thị và Yên Thái. Từ phía sau của đình Nam Hương (phường Hàng Trống), đi dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm về phía tay trái, rẽ vào phố Bảo Khánh, đi thêm một đoạn sẽ đến đình Phả Trúc Lâm. Sau đó theo phố Lương Văn Can, qua phố Hàng Gai, Hàng Hòm, Hàng Nón và Hàng Mành để đến đình Tú Thị. Cuối cùng, tour trải nghiệm kết thúc ở đình Yên Thái, nằm ẩn mình trong con ngõ Tạm Thương. Tại mỗi điểm dừng chân, khách tham quan sẽ được lắng nghe các bạn hướng dẫn viên và ông từ trông coi đình giới thiệu về gốc tích và nét riêng của từng không gian di sản văn hóa trong khoảng thời gian 30 phút.
Giữ trọng trách hương khói cho đình Phả Trúc Lâm, ông Đỗ Văn Trường (65 tuổi) cho biết, trong quá trình tôn tạo, ban quản lý đình Phả Trúc Lâm đã tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu về nghề và tạo ra phong trào vinh danh tổ nghề. Trước kia, đình từng mời các nghệ nhân đến và trình diễn cách làm ra những đôi giày thủ công, sau được Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn hỗ trợ kiến thiết một không gian triển lãm nghệ thuật, trong đó trưng bày các tranh họa diễn tả quá trình tạo ra một đôi hài, đôi hia thời xưa.
“Hiện nay TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm có kỳ vọng tổ chức tour du lịch những điểm tâm linh xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khi đó đình sẽ có thêm nhiều cơ hội để quảng bá di sản của dân tộc đến với khách quốc tế và cũng sẽ có thêm kinh phí để duy trì, bảo tồn và phát triển các không gian nghệ thuật công cộng như thế này”, ông Trường nói thêm.
Để ra mắt tour trải nghiệm “Chuyện đình trong phố” lần đầu tiên, Ban tổ chức đã phải dày công chuẩn bị từ những ngày hè, lập một số tour thử nghiệm để căn chỉnh thời gian hợp lý và phân công nội dung cho những người chịu trách nhiệm dẫn đoàn. Ngoài ra, trong quá trình trải nghiệm, vấn đề về đảm bảo an ninh trật tự và liên hệ công tác với phía các ngôi đình cũng gây nhiều khó khăn cho Ban tổ chức. Sau tất cả, tour “Chuyện đình trong phố” lần đầu tiên đã khép lại với thành công trong việc kể chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ của nghệ thuật hiện thời, đồng thời mở ra một không gian đối thoại giữa khách tham quan với những di sản văn hóa của dân tộc.
Bạn Lưu Gia Linh (20 tuổi), Trưởng Ban tổ chức tour “Chuyện đình trong phố” chia sẻ thêm về sự độc đáo của hoạt động trải nghiệm, “đình là một nơi mang đậm dấu ấn truyền thống, thế nhưng hầu hết thành phần tham gia hôm nay, đặc biệt trong ban tổ chức đều là các bạn trẻ. Đó là một sự kết hợp tương đối tương phản giữa thế hệ trẻ, đại diện cho tương lai với những di sản có tuổi đời gắn liền cùng dân tộc và tầng sâu của lịch sử. Nhưng khi đặt trong một bức tranh tổng thể, mình nghĩ đây là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật truyền thống”.
Được biết, tháng 11 tới, sẽ diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo TP Hà Nội. Để góp phần quảng bá thêm hình ảnh và không gian nghệ thuật công cộng của những ngôi đình trong khu Phố cổ Hà Nội, Ban tổ chức tour “Chuyện đình trong phố” dự định mở thêm hội thảo gắn với câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 phố phường và nhân rộng hơn các tour trải nghiệm cho du khách, hướng tới xây dựng Hoàn Kiếm là quận sáng tạo của Thủ đô.
Nguồn: https://baolangson.vn/tour-nghe-thuat-khoi-day-suc-song-khong-gian-di-san-trong-khu-pho-co-ha-noi-5025878.html