Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2023-2030” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-8-2022, trong đó chọn ngày 8-9 là “Ngày tôn vinh tiếng Việt”.
Sau hai năm triển khai Đề án, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định rằng, Đề án đã tạo được đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, qua 2 năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào. Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai các hoạt động đồng bộ, như: Tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt ở Việt Nam và sở tại cho giáo viên kiều bào; xây dựng Tủ sách tiếng Việt và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại một số địa bàn; phối hợp xây dựng website dạy tiếng Việt cho NVNONN của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chương trình “Chào Tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4)…
Cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước phối hợp tích cực với cơ quan đại diện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt như: Thành lập các Ban tiếng Việt chuyên trách trong hội đoàn; mở mới hoặc mở rộng quy mô các trường, lớp dạy và học tiếng Việt; thành lập “Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài”; tổ chức các hội thảo, tọa đàm… chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và học tiếng Việt.
Đặc biệt là chuỗi hoạt động “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” 8-9 và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN”, sau 2 năm tổ chức đã lựa chọn và vinh danh 10 sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau, trong đó Sứ giả nhỏ tuổi nhất mới 8 tuổi (kiều bào tại Nhật Bản) và có cả Sứ giả là người nước ngoài (Lào).
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đang đề xuất xây dựng thêm các trung tâm văn hóa Việt tại nước ngoài. Đây là một trong các nhiệm vụ được đề xuất tại dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 của Chính phủ, nhằm mục đích khẳng định vị thế đất nước, quảng bá các thành tựu phát triển của đất nước, con người Việt Nam, lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Để các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài có thể phát huy vai trò trong việc tổ chức dạy và học tiếng Việt một cách hệ thống, bài bản và hiệu quả hơn, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng, cần có những định hướng rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“Thứ nhất, đối với người dân sở tại, các trung tâm văn hóa là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam, khuyến khích bạn bè quốc tế tìm hiểu, trân trọng văn hóa Việt Nam, phần nào tiếp cận với tiếng Việt qua các tủ sách tiếng Việt, các hoạt động trình diễn nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, ngày hội văn hóa Việt Nam,…. Thứ hai, với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, đây sẽ là mái nhà chung, là nơi bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa Việt Nam, nơi kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ học và thực hành tiếng Việt và tìm về với cội nguồn dân tộc. Điều quan trọng là tạo không gian và môi trường cho kiều bào ở các lứa tuổi, trình độ khác nhau tìm hiểu và khám phá văn hóa dân tộc qua các hoạt động được thiết kế phù hợp, qua đó khơi dậy tình yêu đối với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Thứ ba, việc phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần có lộ trình, đi từng bước, có trọng tâm trọng điểm, lựa chọn địa bàn và cách thức triển khai phù hợp”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/ton-vinh-tieng-viet-de-quang-ba-van-hoa-va-thanh-tuu-phat-trien-cua-dat-nuoc-5020881.html