– Thời gian qua, Tổ hợp tác (THT) sản xuất bưởi xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn đã xây dựng thành công mô hình liên kết trồng bưởi theo quy trình VietGAP. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và góp phần tăng thu nhập cho các thành viên trong THT.
Thành viên THT sản xuất bưởi xã Đồng Ý thu hoạch bưởi Diễn
Đồng Ý là xã phát triển mạnh về trồng cây ăn quả của huyện Bắc Sơn với hơn 243 ha cây ăn quả, chủ yếu là các loại như: quýt, cam, bưởi… Trong đó, mô hình trồng bưởi chiếm diện tích lớn nhất với hơn 31,3 ha.
Với mong muốn xây dựng và phát triển mô hình trồng bưởi theo hướng bền vững, thời gian qua, chính quyền xã Đồng Ý đã khuyến khích, vận động người dân trồng bưởi thành lập THT để hỗ trợ nhau, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, đầu năm 2023, các hộ dân trồng bưởi trên địa bàn xã đã liên kết, thành lập THT sản xuất bưởi xã Đồng Ý với 19 thành viên, quy mô 8,9 ha (chủ yếu là bưởi Diễn) và áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Vy Văn Can, Tổ trưởng THT sản xuất bưởi xã Đồng Ý cho biết: Từ năm 2006, tôi và một số hộ dân trên địa bàn xã đã phát triển mô hình trồng bưởi. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, trước sự cạnh tranh và xu hướng phát triển của thị trường, chúng tôi nhận thấy cần phải có sự thay đổi trong tư duy và hình thức sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung mới đem lại hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, các hộ trồng bưởi đã liên kết lại với nhau để thành lập THT. Ngay sau khi thành lập, THT đã được phòng chuyên môn của huyện, chính quyền xã định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Vụ bưởi vừa qua, sản lượng thu hoạch của THT đạt 160.000 quả, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng. |
Theo đó, các thành viên trong THT đều được hướng dẫn quy trình, kĩ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng vào mô hình. Để đảm bảo mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, THT đã chủ động đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới tự động, mua sắm vật tư phục vụ sản xuất…
Ông Vy Văn Thích, thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng bưởi Diễn từ năm 2010 với diện tích hơn 1 ha. Tuy nhiên trước đây, tôi chủ yếu chăm sóc theo cách truyền thống nên năng suất, chất lượng quả không cao. Từ đầu năm 2023, khi tham gia vào THT, gia đình tôi đã được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chăm sóc theo hướng VietGAP. Quá trình trồng và thu hoạch, tôi nhận thấy cây bưởi cho nhiều quả, năng suất tăng từ 5 đến 10% so với khi chưa áp dụng theo quy trình VietGAP, mẫu mã quả to, đẹp hơn. Vụ bưởi năm nay, gia đình tôi thu được hơn 10.000 quả, thu về gần 100 triệu đồng.
Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn, mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất tốt, tăng từ 5 đến 10% so với khi chăm sóc theo quy trình truyền thống. Quả bưởi to, đẹp, múi bưởi căng mọng và có độ ngọt hơn. Bên cạnh đó, việc áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp giảm được chi phí và công chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Vụ bưởi vừa qua, sản lượng thu hoạch của THT đạt 160.000 quả, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng. Cùng với đó, THT cũng đã nghiên cứu, lựa chọn vườn bưởi đẹp để từng bước xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm để tăng thu nhập cũng như đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu bưởi Diễn của các thành viên.
Ông Hoàng Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ý cho biết: Mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP của THT đã mang lại hiệu quả rõ nét, năng suất và chất lượng sản phẩm đã từng bước được nâng lên. Tháng 11/2023, sản phẩm bưởi Diễn của THT đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đến tháng 12/2023, sản phẩm bưởi Diễn tiếp tục được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Với những thành công bước đầu đó, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ THT phát triển sản xuất; đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tìm hiểu, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ bưởi để triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân.
Có thể thấy, việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang hướng liên kết sản xuất và áp dụng khoa học kĩ thuật đã giúp THT sản xuất bưởi xã Đồng Ý xây dựng thành công mô hình kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương và từng bước xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Đây là tiền đề quan trọng để THT tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trồng bưởi trên địa bàn.