Từ nhiều năm nay, cây thạch đen được ví như “vàng đen” của vùng biên cương Xứ Lạng, mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Xác định đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã đưa thạch đen vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh và chỉ đạo phát triển thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, giá thạch đen giảm mạnh, việc tiêu thụ khó khăn khiến cho nhiều hộ dân không còn mặn mà, thậm chí “quay lưng” với thạch. Kéo theo đó là diện tích, sản lượng thạch đen toàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng. Làm thế nào để tìm lại giá trị “vàng đen”, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng này – mong mỏi của người trồng thạch cũng là đòi hỏi đặt ra đối với các cấp, ngành của địa phương.
Ảnh co giãn vừa văn bản
Cuối năm 2020, Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen từ Việt Nam sang Trung Quốc được cơ quan chức năng của hai nước ký kết. Đây là cơ hội tốt mở ra thị trường tiêu thụ cho cây đặc sản thạch đen của tỉnh Lạng Sơn. Từ đây, các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để “chắp cánh” cho thạch đen vươn xa.
Cây thạch đen mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân song việc tiêu thụ thạch đen còn đối diện với những khó khăn nhất định, nhất là từ giữa năm 2018, Trung Quốc – thị trường tiêu thụ thạch đen lớn nhất đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với mặt hàng nông sản này. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn để sản phẩm thạch đen đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ảnh co giãn vừa văn bản
Trước đây, sản phẩm thạch khô của Lạng Sơn chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Song từ ngày 1/5/2018, Trung Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, trái cây nhập khẩu khiến việc xuất khẩu thạch đen gặp nhiều khó khăn.
Với mặt hàng cây thạch đen khô, Trung Quốc ngừng nhập từ ngày 1/9/2018 đã ảnh hưởng rất lớn tới người trồng thạch đen trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng đó, các bộ, ngành, UBND tỉnh Lạng Sơn cùng các cơ quan liên quan đã nỗ lực trao đổi, đàm phán để tháo gỡ vướng mắc, mở ra thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm này.
Sau một thời gian đàm phán, tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (Nghị định thư).
Thời điểm đó, Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen là một trong số ít nghị định thư về xuất khẩu nông sản được 2 nước ký kết và thạch đen là một trong số ít nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Ảnh co giãn vừa văn bản
Theo bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, việc ký kết Nghị định thư chính là một cơ sở, căn cứ quan trọng để sản phẩm thạch đen của Việt Nam nói chung và thạch đen của tỉnh Lạng Sơn nói riêng có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng như Trung Quốc.
Đây là cơ hội để mở rộng vùng sản xuất chuyên canh bởi Lạng Sơn là một trong những tỉnh có diện tích trồng thạch đen lớn nhất trong cả nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung của Nghị định thư cũng không hề đơn giản bởi người dân chưa hiểu, chưa quen thực hiện các quy định chặt chẽ, chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan đã nhanh chóng vào cuộc để triển khai, hỗ trợ người dân.
Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen mở ra cơ hội phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Xác định rõ như vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đưa nhiệm vụ mở rộng vùng trồng thạch đen, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ năm 2021.
Để thực hiện các nội dung Nghị định thư, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện trồng thạch triển khai thực hiện các yêu cầu kỹ thuật để đưa sản phẩm thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Những năm qua, Lạng Sơn luôn coi thạch đen là một trong những cây trồng thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Sau khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phát triển cây thạch đen để mở rộng về quy mô, diện tích và nâng cao chất lượng cây thạch đen nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
Từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức gần 200 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức với gần 10.000 người tham gia với các nội dung liên quan đến Quy trình trồng thạch đen, nội dung Nghị định thư, Quy trình cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…
Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan đã thực hiện các trình tự, thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thạch đen Lạng Sơn (ngày 9/2/2023, sản phẩm thạch đen Lạng Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý).
Đồng thời, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các đề tài nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm thạch đen trồng trên đất ruộng, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm thạch ăn liền, nâng cao nồng độ pectin của thạch…
UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh cũng đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn về phát triển cây thạch đen, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm như: diễn đàn trực tuyến bàn giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh nguyên liệu thạch đen phục vụ xuất khẩu; hội nghị trực tuyến xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm thạch đen…
Từ đây, nhiều giải pháp, khuyến nghị đã được ngành chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp… gợi mở để Lạng Sơn phát triển bền vững cây thạch đen cũng như đáp ứng các yêu cầu về thạch đen xuất khẩu theo Nghị định thư.
Ảnh trái: Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị trực tuyến xúc tiến, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm Thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021.
Ảnh phải: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Diễn đàn Giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh nguyên liệu thạch đen phục vụ xuất khẩu
Ảnh co giãn vừa văn bản
Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan, việc triển khai các nội dung Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen nhanh chóng được triển khai thực hiện và có những chuyển biến rõ nét.
Huyện Tràng Định – nơi được coi là “thủ phủ” của cây thạch đen với diện tích trồng lớn nhất trong tỉnh, ngay sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai mở rộng vùng sản xuất cũng như các nội dung trong Nghị định thư.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Xác định cây thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, trong những năm qua, phòng chuyên môn thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phát triển cây thạch đen, trong đó trọng tâm là hướng dẫn người dân tuân thủ quy định trong Nghị định thư, thực hiện tốt công tác tập huấn, cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện.
Đến hết năm 2023, huyện Tràng Định được cấp 118 mã số vùng trồng thạch đen với 7 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thạch sang đen sang Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu thạch đen thuận lợi, giá trị cây thạch đen được nâng cao, từ đó diện tích thạch đen cũng tăng mạnh.
Cụ thể, nếu như năm 2020, diện tích thạch đen trên địa bàn huyện đạt trên 1.500 ha, thì trong năm 2021 và 2022 đã duy trì trên 2.500 ha.
Còn tại Bình Gia – huyện có diện tích, sản lượng thạch đen đứng thứ hai toàn tỉnh, để nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch đen, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản cây thạch đen cho người dân.
Tính riêng năm 2021 (năm đầu tiên sau khi Nghị định thư được ký kết), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 6 lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo quản thạch cho người dân.
Được tuyên truyền, tập huấn, người dân trên địa bàn huyện đã mở rộng diện tích trồng thạch nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nếu như năm 2019 – 2020, diện tích thạch đen toàn huyện trên 500 ha thì đến năm 2021, 2022, con số này tăng lên 800 ha. Toàn huyện đã được cấp 23 mã vùng trồng thạch đen.
Việc thực hiện Nghị định thư không chỉ tạo cú hích để mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây thạch đen mà còn giúp người trồng thạch thay đổi thói quen, tập quán canh tác.
Nếu như trước đây, việc ghi chép nhật ký canh tác còn là một khái niệm xa lạ thì nay đã trở thành thói quen của người trồng thạch. Người dân cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh đồng ruộng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và phân bón…nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn cho sản phẩm.
Ông Triệu Quang Hào, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia cho biết: Thôn có 102 hộ. Người dân trong thôn trồng thạch đen từ lâu, nhưng mô hình trồng thạch đen phát triển mạnh mẽ nhất vào năm 2021 với 100% hộ dân trồng, hộ ít thì 1 – 2 sào, hộ nhiều đến cả mẫu. Trước đây, chúng tôi chủ yếu trồng thạch đen theo hướng tự phát và chưa chú trọng chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm… Từ khi có Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen và được cán bộ chuyên môn của tỉnh, huyện tuyên truyền, tập huấn, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn luôn tuân thủ các quy định từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Ảnh co giãn vừa văn bản
Thạch đen được trồng theo đúng quy định, quy chuẩn phục vụ xuất khẩu, thị trường tiêu thụ rộng mở hơn cùng với việc các nhà máy, cơ sở chế biến sản phẩm tinh bột thạch, thạch ăn liền đóng hộp trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định khiến người dân yên tâm mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm thạch đen.
Nếu như năm 2019, diện tích trồng thạch đen trên địa bàn tỉnh là 1.900 ha, sản lượng đạt hơn 9.600 tấn và giá trị khoảng 190 tỷ đồng, thì đến năm 2021 đã tăng lên 3.113 ha, sản lượng trên 17.000 tấn, giá trị khoảng 470 tỷ đồng; giá trị thạch đen xuất khẩu đạt 9 triệu USD.
Đến năm 2022, diện tích thạch đen trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 3.368 ha, sản lượng trên 17.300 tấn, giá trị khoảng 340 tỷ đồng; giá trị thạch đen xuất khẩu đạt 13,5 triệu USD, tăng 50% so với năm 2021 (năm đầu tiên xuất khẩu thạch đen chính ngạch sau ký kết Nghị định thư).
Sự tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị thạch đen sau khi Nghị định thư được ký kết cho thấy bước chuyển rõ nét trong phát triển cây thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thế nhưng, sự tăng trưởng này không kéo dài được bao lâu khi mà từ 2 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ thạch đen trở nên ảm đạm khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà gắn bó với cây trồng này.
(Còn nữa)
Nguồn: https://baolangson.vn/tim-lai-gia-tri-vang-den-ky-2-chap-canh-cho-thach-vuon-xa-5023885.html