– Xác định phát triển sản xuất hiệu quả sẽ góp phần nâng cao thu nhập, những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng đã quan tâm hỗ trợ người dân phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân và giảm nghèo bền vững.
Xã Thượng Cường gồm 7 thôn có 726 hộ với 3.145 nhân khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi.
Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn xã có gần 1.200 ha diện tích đất nông, lâm nghiệp, chiếm 54% tổng diện tích tự nhiên. Thời gian qua, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát huy tiềm năng, lợi thế trên để phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc na VietGAP, hồi hữu cơ và kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, toàn xã có trên 100 ha hồi hữu cơ; trên 50 ha na VietGAP. Đối với các mô hình phát triển tốt, bước đầu mang lại hiệu quả, chính quyền xã hướng dẫn bà con mở rộng quy mô. Cùng với đó, xã vận động thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đến nay, xã đã vận động thành lập được 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 tổ hợp tác sản xuất na VietGAP.
Ông Hoàng Văn Pỉu, Tổ trưởng tổ sản xuất na thôn Quán Hàng cho biết: Năm 2022, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) xã tổ chức, tôi biết đến mô hình trồng na theo hướng an toàn và tham gia sản xuất na theo quy trình VietGAP. Với mong muốn tập hợp bà con trồng na trên địa bàn xã cùng học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong cung ứng dịch vụ nông nghiệp và chuyển giao KHKT chăm sóc cây, tôi đã đứng ra thành lập tổ sản xuất na thôn Quán Hàng, gồm 35 thành viên. Hiện nay, các thành viên trong tổ đang chăm sóc gần 27 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 10/2023, sản phẩm na của tổ hợp tác được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
Cùng với định hướng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cấp uỷ, chính quyền xã quan tâm hỗ trợ người dân cây, con giống và phân bón để phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình giảm nghèo bền vững, chính quyền xã đã hỗ trợ 28 con bò giống cho 14 hộ dân với tổng kinh phí trên 750 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền xã hỗ trợ 68.000 cây hồi giống cho trên 200 hộ dân để trồng rừng mới; hỗ trợ trên 3 tấn phân bón để người dân chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ.
Bà Vy Thị Dung, thôn Đoàn Kết cho biết: Từ năm 1986, gia đình tôi đã bắt đầu trồng hồi. Tuy nhiên do tôi chưa biết áp dụng KHKT vào chăm sóc nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Năm 2022, thông qua các lớp tập huấn do xã tổ chức, tôi đã áp dụng các kỹ thuật vào chăm sóc trên 600 cây hồi của gia đình. Cùng với đó, năm 2023 gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ gần 100 kg phân hữu cơ để bón cây hồi. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, rừng hồi phát triển tốt, đạt sản lượng cao hơn. Trung bình mỗi năm gia đình thu được từ 6 đến 8 tấn hồi tươi, tăng khoảng 1 tấn so với trước đây, đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình bà Dung, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có khoảng 50% tổng số hộ dân có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm. Trong đó tập trung phát triển một số mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình trồng hồi (trên 320 ha); mô hình trồng keo, bạch đàn (khoảng 80 ha); mô hình trồng na (150 ha); mô hình trồng ớt (50 ha); mô hình trồng thuốc lá (50 ha); trồng lạc (45 ha); trồng trám đen (10 ha); chăn nuôi trâu, bò (1.100 con); chăn nuôi lợn (1.030 con)… Ngoài các mô hình trên, người dân trên địa bàn xã hiện đang tiếp tục thử nghiệm một số mô hình khác như: trồng mắc ca; cam Canh…
Ông Vi Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Thượng Cường là xã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2023, xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Có thể thấy, từ phát triển các mô hình sản xuất đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong giai đoạn 2021 – 2023, trên địa bàn xã có 16 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, cận nghèo. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,3%, giảm 6,4% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2023 đạt 51 triệu đồng/người/năm (tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2021. Hiện thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,3% (17 hộ).
Với những kết quả tích cực đó, tháng 1/2024, xã Thượng Cường vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2023.
Nguồn: https://baolangson.vn/thuong-cuong-da-dang-cac-mo-hinh-san-xuat-giam-ngheo-ben-vung-5030474.html