– Mặc dù đã qua 10 tháng năm 2023, song việc triển khai thực hiện cũng như giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Người dân xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc phát triển kinh tế đồi rừng
Năm 2023, kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh trên 618 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nhanh chóng xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án gặp nhiều khó khăn dẫn tới tiến độ thực hiện cũng như kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của chương trình đạt rất thấp. Điển hình như việc triển khai thực hiện dự án 3 (phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị).
Theo đó, dự án 3 gồm 2 tiểu dự án là: Tiểu dự án 1 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân có kế hoạch vốn sự nghiệp là 63,4 tỷ đồng và Tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kế hoạch vốn sự nghiệp là 73,5 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai xuất hiện khó khăn trong việc thực hiện dự án 3 do nguồn vốn Trung ương phân bổ lớn, định mức chi thấp, nhu cầu nhận khoán bảo vệ rừng của người dân rất thấp, nội dung, đối tượng thực hiện chỉ được áp dụng tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; vướng mắc về thẩm định giá, đấu thầu mô hình liên kết chuỗi giá trị… Qua đó, đến hết 9 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của tiểu dự án 1 đạt 0,1%; tiểu dự án 2 mới đạt 2% kế hoạch vốn 2023.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Theo đó chương trình có 10 dự án thành phần gồm:
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. |
Tương tự như 2 tiểu dự án của dự án 3, việc triển khai tiểu dự án 4 (đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp) thuộc dự án 5 (phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội-Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2023, kinh phí cấp thực hiện tiểu dự án trên địa bàn huyện là trên 2,4 tỷ đồng để dự kiến tổ chức 12 lớp tập huấn cho cộng đồng tại 11 xã vùng III, các xã vùng I có thôn đặc biệt khó khăn và 2 lớp cấp huyện dành cho cán bộ triển khai chương trình các cấp. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2023, cấp trên vẫn chưa có tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nên vẫn chưa triển khai thực hiện được. Thời gian còn lại của năm rất ít, trong khi đó thời điểm cuối năm bà con bận hơn, dẫn tới việc thực hiện nội dung này gặp nhiều khó khăn. Cùng với huyện Lộc Bình, các huyện, thành phố khác cũng gặp khó khăn tương tự dẫn tới nguồn vốn năm 2023 chưa giải ngân được.
Bên cạnh các tiểu dự án thuộc 2 dự án kể trên, việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp một số dự án, tiểu dự án khác thuộc CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó việc thực hiện các dự án, tiểu dự án có sự trùng lặp về đối tượng, địa bàn thực hiện giữa các CTMTQG; nguồn vốn Trung ương phân bổ chậm, cơ cấu nguồn vốn sự nghiệp phân bổ còn nhiều bất cập; việc ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành còn chậm, có sự chồng chéo; khả năng cân đối nguồn ngân sách đối ứng của địa phương thực hiện chương trình còn hạn chế; việc hỗ trợ, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị khó triển khai thực hiện do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng tại vùng ĐBDTTS&MN còn hạn chế; sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật; định mức suất vốn đầu tư thực hiện một số tiểu dự án được giao thấp….
Từ những khó khăn như vậy dẫn tới tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thuộc CTMTQ phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN đạt thấp. Cụ thể, tính đến ngày 20/10/2023, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp thuộc chương trình mới đạt 7,2%, trong đó, giải ngân vốn ngân sách Trung ương được 7,5%, vốn ngân sách địa phương được 1,5%.
Trước những khó khăn, vướng mắc như vậy, hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp để nhanh chóng tháo gỡ, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của chương trình. Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, trên cơ sở kết quả rà soát thực tế của các đơn vị chủ trì các nội dung, dự án, tiểu dự án, UBND các huyện, thành phố, Ban Dân tộc tiếp tục tổng hợp, tham mưu xây dựng chương trình; đề xuất với cấp trên điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tổng hợp những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện chương trình để xin ý kiến các bộ, ngành kịp thời giải quyết; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình; tập trung nâng cao năng lực công chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc để đáp ứng yêu nhiệm vụ được giao; tăng cường kiểm tra, nắm bắt thực tế những khó khăn trong việc triển khai thực hiện cũng như giải ngân vốn sự nghiệp thuộc CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ…
Thời gian còn lại của năm không còn nhiều, chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp thuộc CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống Nhân dân cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình đề ra.