Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 2/2, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 – Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới”. Diễn đàn được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì diễn đàn.
Tại điểm cầu Lạng Sơn, tham dự diễn đàn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh và một số HTX thành viên.
Theo báo cáo tại diễn đàn, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX (trong đó có 20.357 HTX nông nghiệp, còn lại là HTX phi nông nghiệp) tăng 2.200 HTX; 158 Liên hiệp HTX, tăng 23 Liên hiệp HTX; 73.000 tổ hợp tác (THT), tăng 2.000 THT so với năm 2022.
Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX đã được chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với Luật HTX và tình hình phát triển của HTX ở từng thời kỳ. Giai đoạn 2013 – 2021, cả nước có hơn 362.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng; hơn 2.617 HTX nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 5.800 HTX ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX trong giai đoạn 2013 – 2021 khoảng 50.800 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối với HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: các chính sách chủ yếu hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và rất ít HTX ở lĩnh vực khác được hỗ trợ; số HTX được hỗ trợ các chính sách về tín dụng, đất đai còn ít; công tác ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm…
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW) đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Các chính sách này đã được cụ thể hóa tại Luật HTX vừa được Quốc hội thông qua (Luật số 17/2023/QH15 ngày 20/6/2023), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX lần này rất toàn diện nhằm đảm bảo các nguyên tắc cơ bản, phát huy các giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; hoàn thiện các quy định về phát triển thành viên với nhiều mô hình hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, huy động nguồn lực xã hội đóng góp cả về vốn, công nghệ, tri thức.
Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong thời gian qua, lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng. Tính đến hết năm 2023, tỉnh có 486 HTX, tăng 26 HTX so với năm 2022; doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 900 triệu đồng/năm.
Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới cho 111 HTX; hỗ trợ đưa 33 trí thức trẻ về làm việc tại 30 HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho 89 HTX; hỗ trợ 26 HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX… Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 20-NQ/TW và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, HTX; xúc tiến hợp tác, tạo môi trường thúc đẩy sự hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp…
Cùng với tỉnh Lạng Sơn, tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động cũng như tác động của các chính sách hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX trong những năm qua. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ, chính sách cụ thể, phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HTX trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương, chúc mừng những kết quả các cấp, ngành đã đạt được trong phát triển kinh tế tập thể, HTX trong cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa phát triển; năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho HTX tuy nhiều nhưng còn dàn trải, chủ yếu là lồng ghép…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung quan tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX cả về số lượng và chất lượng; đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế hợp tác, HTX bao trùm; huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện; chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, HTX linh hoạt, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.
Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2023; nghiên cứu xây dựng gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực kinh tế tập thể; hướng dẫn quy định chế độ kế toán HTX, liên hiệp HTX cho phù hợp; xây dựng các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp bám sát Luật HTX sửa đổi; xây dựng văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật đất đai, trong đó tạo điều kiện giúp HTX tiếp cận đất đai tốt hơn… Trong đó các chính sách cần tạo điều kiện, cơ hội, động lực cho HTX phát triển.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX vẫn còn phù hợp, chính sách nào không còn phù hợp cần phải thay thế; phát huy hiệu quả quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tăng cường huy động nguồn lực từ các thành viên trong HTX.