Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo; thời gian thanh tra, kiểm tra kéo dài… là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Sự việc đại diện một doanh nghiệp phải bật khóc trong cuộc đối thoại mới đây với Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nói lên nhiều điều…
Ông Đỗ Đình Huế, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương phản ánh khó khăn với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chạy vạy để được xác nhận là… chủ đầu tư
Ông Đỗ Đình Huế, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương cho biết, dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân tại thành phố Vũng Tàu được chấp thuận chủ trương đầu tư và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương được xác định là chủ đầu tư từ năm 2010. Tuy nhiên, giờ đây, công ty của ông đang phải khốn khổ đi “gõ cửa” các ban, ngành liên quan của tỉnh… để “xin” được xác nhận lại mình là chủ đầu tư.
Nguyên nhân là do, cuối năm 2010, dự án Vườn Xuân bị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thanh tra để xác nhận về quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội mặc dù trước đó Bộ Xây dựng đã hai lần kết luận dự án không phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Mới đây, trong kết luận số 03/KL-TTr, Thanh tra Bộ Xây dựng tái khẳng định, việc dự án Vườn Xuân không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp quy định hiện hành.
Theo ông Huế, vì ách tắc nêu trên mà hai năm nay dự án gần như phải đình trệ việc xây dựng để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra. Doanh nghiệp cứ vòng vòng hết cơ quan này đến ban ngành nọ để ôm tài liệu đi trình bày. Thậm chí Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã kết luận quy trình đầu tư đúng pháp luật, nhưng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh vẫn chưa có kết luận thỏa đáng khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Ông Hà Nam, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp đang có dự án tại Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị, tỉnh cần ban hành chính sách đồng bộ, nhịp nhàng, đồng thời có chế tài, xử lý nghiêm những bộ phận, cá nhân cố tình gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp. Nguyện vọng lớn nhất của các doanh nhân, doanh nghiệp là được chính quyền không chỉ lắng nghe, ghi nhận mà là có hành động cụ thể ngay và luôn. “Lắng nghe xong rồi lại đùn đẩy nhau mà không kết luận, chỉ đạo, tháo gỡ cụ thể thì lắng nghe cũng không có ích gì” – ông Nam nói.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tính toán hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, không để một bộ phận công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm phiền, gây trở ngại cho doanh nghiệp.
Bởi hiện nay, không chỉ đang tồn tại các chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thực tiễn mà còn tình trạng nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm, thậm chí “không hồi kết” đã khiến doanh nghiệp bất động sản bất an, “rệu rã”. Điều đó kéo theo hệ lụy doanh nghiệp khốn đốn vì đứt dòng tiền, chi phí vốn “đội” lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng cao và quan trọng là cơ hội kinh doanh bị đánh mất.
Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần nhanh chóng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng phối hợp và tạo thuận lợi cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đặc biệt là cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia dự thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu vào các dự án đầu tư công với tỷ lệ 30% tổng mức đầu tư.
Trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.
Theo ông Thọ, tại kỳ đối thoại giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tháng 9/2022, tỉnh đã tiếp nhận và xử lý khoảng 77 kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, thuế và tiền thuê đất, cải cách hành chính, hướng dẫn chính sách, thủ tục hành chính. Các kiến nghị được sở, ngành, địa phương trả lời bằng văn bản gửi trực tiếp cho từng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị bảo đảm nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, đúng thời gian và bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương…
Trước hội nghị lần này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã tiếp nhận 17 kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội. Tỉnh sẽ tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh trả lời, có buổi làm việc riêng hoặc phản hồi, trả lời cho doanh nghiệp bằng văn bản sau hội nghị. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt (Tổ 997) để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để bố trí lịch tiếp, vào lúc 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút hằng ngày.
Nguồn:https://nhandan.vn/thu-tuc-keo-dai-khien-doanh-nghiep-kiet-que-post782250.html