Sáng 16/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đồng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Quan điểm của Đảng, Nhà nước xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước có 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt quá trình này, chúng ta luôn coi con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, mục tiêu cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xác định nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội; có “an cư mới lạc nghiệp”. Đây là một trong những giải pháp phù hợp đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp đạo đức, truyền thống văn hoá của dân tộc; trong điều kiện khó khăn hiện nay, muốn làm được gì thì đều phải có chính sách; cơ chế, chính sách, luật pháp đều do ta; quy hoạch đất đai có hay không, tổ chức thực hiện cũng đều do ta; do đó, xã hội phải làm, nhân dân phải làm, doanh nghiệp phải làm.
Chúng ta cần suy nghĩ, xem lại xem chủ trương này đã “đúng, trúng” chưa? Đã “đúng, trúng” rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là gì, cách tháo gỡ như thế nào? Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân phải tháo gỡ cái gì? Mỗi chủ thể liên quan phải hành động, mỗi người, mỗi chủ thể đều có chức năng riêng; các khâu phải vận hành tốt.
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; phải chăng cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa phù hợp? Quy hoạch đất đai chưa “đúng và trúng”. Các chủ thể có liên quan phải mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải làm hết trách nhiệm, tâm huyết. Từng chủ thể phải phát huy hết khả năng của mình, đạo đức xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, “lá lành đùm lá rách”, người có điều kiện giúp người chưa có điều kiện.
Lịch sử đã chứng minh, dù kẻ thù nào, dù khó khăn nào, dân tộc ta cũng chiến thắng bằng sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm. Bây giờ, chúng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, huy động sức mạnh toàn dân để làm.
Thủ tướng đặt vấn đề: Thí dụ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án, đánh giá xem chủ trương này đã đúng chưa; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn; ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa từ tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được dành tỷ lệ tối đa trong tổng diện tích đất trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, nhà ở thương mại; bên cạnh đó phải có các hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao. Phải xem xét hành lang pháp lý đã thuận lợi chưa? Hiện nay, những cái chưa làm được là gì, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan?
Sau 1 năm triển khai phát triển nhà ở xã hội, tình hình có chuyển biến tích cực trong công tác này. Các địa phương phải cố gắng, các ngân hàng cũng phải tìm cách tháo gỡ, các doanh nghiệp cũng phải bươn chải trong điều kiện khó khăn để cùng làm, người dân cũng phải cố gắng.
Thủ tướng gợi mở, cần phải có giải pháp, cơ chế, chính sách như thế nào, nhiệm vụ của ngân hàng như thế nào, quy hoạch đất đai như thế nào? Các tổ chức thực hiện ở các cấp như thế nào?
Thủ tướng cho rằng cấp chính quyền cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng vì là nơi gần dân nhất, do đó quy hoạch đất đai, thực hiện giải phóng mặt bằng cũng là từ cơ sở, do đó trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, vai trò của người đứng đầu, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị như thế nào?
Doanh nghiệp đã làm thì phải có lãi, nhưng vấn đề là lãi ở mức nào vì nếu lãi nhiều thì người dân không mua được, lãi ít thì doanh nghiệp không vui? Phải có tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”; phải tận dụng sức mạnh toàn như thế nào?
Do đó cần suy nghĩ xem có vận dụng được kinh nghiệm nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây vào phát triển nhà ở xã hội hiện nay hay không?
Thủ tướng gợi ý một số vấn đề để bàn bạc, đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi, tổ chức thực hiện làm việc nào dứt việc đó, làm đến đâu rõ đến đấy; yêu cầu đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tập trung làm; phải đặt bài toán tổng thể này trong tổng thể của các nguồn lực với tư duy phương pháp luận là, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Vướng mắc, ách tắc, thiếu cái này hay cái kia đều do chúng ta. Bây giờ, điều quan trọng cần bàn là cái gì làm trước, cái gì làm sau, ai làm? Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đều phải làm, chung sức chung lòng “góp gió thành bão”; đã nỗ lực rồi, cố gắng rồi nhưng so mục tiêu đặt ra là chưa đạt yêu cầu; phải đặt mình vào địa vị của người khác, của những người chưa có nhà ở để thấy được trách nhiệm, để cùng nhau làm. Thủ tướng tin chắc chúng ta sẽ làm được việc này; phải hành động quyết liệt, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc nào dứt việc đó.
* Bộ Xây dựng cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252ha.
Theo đó, một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063ha, Thành phố Hồ Chí Minh 608ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.
Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023: Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó, số lượng dự án hoàn thành: 72 dự án với quy mô 38.128 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 129 dự án với quy mô 114.934 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 298 dự án với quy mô 258.188 căn.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như (tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn…).
Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; Thành phố Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;…), hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng…).
Về nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, theo báo cáo, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng,cụ thể là: BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng.
Hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đã có trách nhiệm tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn vốn hỗ trợ (được triển khai đến năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu của đề án) bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân còn chậm. Trong thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng sẽ đạt kết quả tốt hơn.