Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 21/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050.
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo UBND của 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học tham gia phản biện tại hội nghị.
Dự tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị…
Theo báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20/4/2022. Quy hoạch được nghiên cứu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021 – 2030, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đặt mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2050 có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước. Bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP vùng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 8 – 9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực đến năm 2030, khu vực nông, lâm thuỷ sản chiếm khoảng 12 – 13%, công nghiệp xây dựng chiếm 45 – 46% và dịch vụ chiếm 37 – 38%. GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm vào năm 2030, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng.
Quy hoạch cũng tổ chức không gian phát triển và xác định phương hướng phát triển các ngành kinh tế, hình thành các hành lang phát triển, liên kết hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, du lịch, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn và hệ thống cửa khẩu…
Phát biểu phản biện, đóng góp vào quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, UBND các tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo quy hoạch bổ sung thêm nội dung phát triển mạng lưới giao thông đường thuỷ, đường sắt để kết nối các tỉnh biên giới trong vùng với các cảng biển nhằm thúc đẩy liên kết vùng. Đưa các danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm giải quyết các điểm nghẽn cản trở liên kết phát triển vùng nhất là hạ tầng giao thông đường cao tốc. Đồng thời, các chuyên gia cũng lưu ý đến vấn đề quy hoạch và thực hiện các thuỷ điện trong vùng cũng như có các chính sách để bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo trong vùng…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét xác định phân vùng, hành lang phát triển khu vực phía Đông vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Lạng Sơn theo hướng liên kết các tỉnh như Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Kạn gắn với thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng. Đồng thời, quy hoạch xác định rõ giai đoạn đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện hữu; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn nhằm tăng cường liên kết vùng và kết nối với Trung Quốc.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức triển khai lập quy hoạch vùng bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tổ chức thực hiện xây dựng quy hoạch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là vùng rất nhạy cảm, giàu bản sắc, nhiều tiềm năng nhưng lại chậm phát triển và đang phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn về phát triển.
Do đó, quy hoạch vùng phải nhận diện, phân tích đánh giá sâu sắc nguyên nhân chậm phát triển, từ đó đề xuất định hướng phát triển vùng một cách thống nhất toàn diện. Trong đó, quy hoạch cần lưu ý đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực phát triển các ngành kinh tế, du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá đặc trưng của khu vực.
Cùng đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tạo nguồn nhân lực thông qua thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo, gắn với bảo đảm an sinh xã hội.