Đền Hát Môn, một trong những ngôi đền cổ nhất Việt Nam, được dựng tại cửa sông Hát (tức sông Đáy), nơi năm xưa Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Ngôi đền thiêng này là địa chỉ khách thập phương đến chiêm bái, tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội di chuyển theo quốc lộ 32, qua thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) rồi rẽ lên đường đê sông Đáy là tới đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).
Năm 40 sau công nguyên, nước nhà bị giặc phương bắc đô hộ, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa giành lại độc lập cho đất nước.
Năm 43, thế giặc mạnh, buộc Hai Bà lui quân đến khu vực thuộc huyện Phúc Thọ ngày nay. Hai vua Trưng Trắc, Trưng Nhị đã tuẫn tiết bên dòng sông Hát.
Nhân dân lập đền thờ Hai Bà Trưng, với tên gọi khác là đền Hát Môn, đền Quốc tế (tế lễ cấp quốc gia).
Nước ta có nhiều ngôi đền tưởng nhớ Hai Bà Trưng, nhưng đền Hát Môn là một trong những ngôi đền có quy mô lớn nhất.
Quần thể đền Hát Môn gồm nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo nằm trên một khu đất cao, rộng 3ha, được gọi là thế “long chầu, hổ phục”.
Đền Hát Môn được bảo tồn khá nguyên vẹn nhiều hạng mục kiến trúc từ xa xưa để lại như: Quán Tiên, cổng tứ trụ, nghi môn ngoại, nghi môn nội, đại bái, nhà thiêu hương, nhà Tạm ngự, nhà Ngự dội (Mộc dục), sân rồng…
Các hạng mục đều mang những nét kiến trúc đặc sắc và những huyền tích gắn với cuộc đời Hai Bà.
Điển hình như đền Quán Tiên. Theo truyền thuyết địa phương thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước.
Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tụ tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận. Dân làng dựng ngôi quán nhỏ này để tưởng nhớ tới sự kiện trên. Cũng từ sự kiện này, lễ hội Hai Bà Trưng có tục lệ làm bánh trôi dâng lên Hai Bà.
Một kiến trúc khác đáng chú ý là gò Giấu Ấn nằm ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc hoá thân về cõi vĩnh hằng.
Hạng mục kiến trúc có quy mô nhất là nhà đại bái – nơi đặt ngai vị, tượng thờ Hai Bà Trưng. Nhà đại bái có quy mô năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái được chạm trổ dày đặc, với nhiều hình thức chạm trổ khác nhau ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng… Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn.
Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.
Cùng kiến trúc độc đáo, trong đền còn lưu giữ rất nhiều di vật quý và có giá trị lịch sử như: Đôi kiệu song loan, nhiều đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối, đại tự cổ…
Lễ hội Hai Bà Trưng được tổ chức vào mồng 6/3 âm lịch.
Nét độc đáo nhất trong lễ hội là màn rước bánh trôi, dâng bánh trôi lên Hai Bà. Việc làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tế.
Những đĩa bánh trôi dâng lên Hai Bà được làm theo quy trình nghiêm ngặt. Gia đình được chọn làm bánh trôi cũng phải là những gia đình hoà thuận, không tang chế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác.
Sau khi làm bánh, một đoàn rước gồm khoảng 50 người rước những mâm bánh dâng lên Hai Bà Trưng.
Với những giá trị độc đáo đó, đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; Lễ hội đền Hát Môn được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhân dân cả nước về thăm đền Hát Môn quanh năm, nhưng tập trung nhất vào dịp lễ hội vào đầu tháng 3 âm lịch để chiêm bái, khám phá những tục lệ đẹp tưởng nhớ hai nữ Anh hùng dân tộc đầu tiên của đất nước.
Nguồn: https://baolangson.vn/tham-den-hat-mon-tuong-nho-cong-lao-hai-ba-trung-5030848.html