Việt Nam đã xác định ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này.
Khóa học đầu tiên của chương trình đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi và Tập đoàn Cadence (Hoa Kỳ) vừa kết thúc với hơn 70 học viên được cấp chứng chỉ kỹ sư bán dẫn. Trong đó, có gần 20 học viên xuất sắc được nhận vào làm việc và thực tập tại các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, như FPT, Marvell, Synopsys, Samsung,…
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT gọi những học viên tham gia khóa đào tạo này là những người tiên phong, bước những bước đầu tiên trên con đường chưa nhiều người đi.
Tham gia khóa đào tạo với mong muốn được học hỏi về mảng Physical Design-một trong những quá trình chuyển đổi giúp hoàn thiện việc sản xuất chip, Nguyễn Vũ Thịnh Anh, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng đã “thu hoạch” được nhiều hơn thế.
Có một điểm mà nữ sinh này cảm thấy rất mới mẻ và khác biệt, đó là khóa học được tổ chức và giảng dạy theo mô hình hoàn toàn mới so với lớp học truyền thống. Học viên được yêu cầu tự nghiên cứu tài liệu (dạng văn bản, video) ở nhà, sau đó thực hành ngay tại lớp thông qua hoạt động thảo luận, làm thí nghiệm,…
Bên cạnh đó, Nguyễn Vũ Thịnh Anh còn được nhận vào thực tập tại FPT Semiconductor. Sau 3 tháng đào tạo, những sinh viên như Thịnh Anh cũng có nhiều cơ hội được giao lưu chia sẻ kiến thức và quan trọng hơn nữa là định hướng rõ ràng về chuyên ngành mình đang theo học.
“Ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng mở rộng và phổ biến trên toàn cầu, đi kèm là những thông tin về xu hướng phát triển, nguồn nhân lực, cơ hội việc làm. Cơ hội việc làm này ở Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc nhiều trường đại học bắt đầu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch vào năm 2024.
Được nhận thực tập tại FPT Semiconductor khi còn đang là sinh viên năm thứ 4 trong hệ đào tạo kỹ sư 5 năm giúp em có cơ hội thực tập sớm cũng như cơ hội làm việc trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu”, Nguyễn Vũ Thịnh Anh nói.
Trước đó, vào tháng 5/2024, Tổ hợp Samsung Việt Nam đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân tài ngành bán dẫn thông qua Chương trình phát triển nhân tài công nghệ (Samsung Innovation Campus 2023-2024). Cụ thể, Samsung Việt Nam phối hợp với NIC triển khai các lớp đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) và đào tạo về dữ liệu lớn (Big data) dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học trong nước.
Các khóa học trong Chương trình được thiết kế trên nền tảng giáo dục kết hợp giữa kỹ năng công nghệ cốt lõi trong tương lai với các kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc trong thực tiễn. Những nội dung đào tạo này được lựa chọn thông qua việc thực hiện khảo sát phân tầng theo các xu hướng phát triển trong các ngành công nghiệp ở từng khu vực khác nhau, kết hợp với nhu cầu tuyển dụng tại các công ty lớn. Cùng với các kiến thức chuyên môn, Chương trình còn cung cấp cho học viên những nội dung liên quan đến kỹ năng hướng nghiệp…
Nhiều địa phương cũng quyết tâm kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp quan trọng này. Tại Đà Nẵng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, gồm Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ Trường đại học Bách Khoa và các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Đến nay, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch, bán dẫn với khoảng 5.700 sinh viên theo học.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng quyết định xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố, đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.
Từ kết quả của Chương trình, NIC nhận định, với mỗi mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, mỗi năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm có thể đạt hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đó là cơ sở để tin tưởng mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 15 nghìn kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50 nghìn kỹ sư bán dẫn được đặt ra tại Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là hoàn toàn khả thi.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc NIC phối hợp các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Đáng lưu ý, mô hình hợp tác giữa ba nhà như bước đi này được nhận định chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. “Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-ban-dan-5019552.html