– Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, một trong những giải pháp của tỉnh là tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp. Để thực hiện điều đó, tỉnh đang nỗ lực thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.
Công nhân Công ty TNHH MTV Xe Điện DK Việt Nhật lắp ráp xe hai bánh chạy điện
Nững năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tận dụng tối đa tiềm năng, tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, có nhiều cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp.
Những tín hiệu tích cực
“Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Cao Lộc phấn đấu tốc độ tăng thêm bình quân giá trị ngành công nghiệp đạt từ 9 – 10%/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND huyện đã và đang phối hợp với nhà đầu tư tập trung triển khai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật CCN Hợp Thành 1 và Hợp Thành 2, từ đó nhằm tiếp tục mời gọi, thu hút thêm các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp đầu tư vào 2 CCN này. Ngoài ra,chính quyền huyện xác định tiếp tục tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường ổn định, minh bạch, đồng thời hình thành quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ về thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, nguồn lao động…”. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc |
Sau một thời gian triển khai các thủ tục liên quan, ngày 16/5/2023, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore đã được Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN VSIP Lạng Sơn. Theo đó, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN VSIP Lạng Sơn trên diện tích 599,76 ha thuộc địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng (huyện Hữu Lũng). Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm lợi thế trong việc thu hút đầu tư.
Ngoài KCN VSIP Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh còn có KCN Đồng Bành với quy mô lập quy hoạch phân khu rộng 162,13 ha. Để thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, KCN đã thu hút được 4 dự án đầu tư trên các lĩnh vực: sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ với tổng vốn khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đang sản xuất kinh doanh ổn định và 2 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Ông Hoàng Cao Thượng, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Sau gần 2 năm triển khai việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, các KCN, CCN được chấp thuận chủ trương đầu tư đều đã có nhà đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, một số khu, CCN đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào một số lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp cơ khí, chế tạo linh kiện, sản xuất nhựa chất lượng cao,…
Không chỉ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào KCN, CCN của tỉnh, theo thống kê của Sở Công Thương, từ năm 2020 đến nay đã có thêm 45 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 226 doanh nghiệp (46 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khai khoáng, 161 doanh nghiệp lĩnh vực chế biến chế tạo, 15 doanh nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, 4 doanh nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước). Ngoài các doanh nghiệp lớn, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.858 cơ sở hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Đánh giá về kết quả đạt được, ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò người đứng đầu, tăng cường thanh tra công vụ, đi đôi với kiên quyết xử lý các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp… đã mang lại hiệu quả tích cực. Minh chứng rõ nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 Lạng Sơn xếp hạng thứ 15/63 tỉnh, thành phố (tăng 21 bậc so với năm 2021) và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Nhờ đó, đã thu hút nhiều nhà đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp vào địa bàn tỉnh, trong đó một số dự án đầu tư với nguồn vốn lớn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư
“Thời gian tới, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào một số CCN và KCN VSIP Lạng Sơn trên địa bàn huyện Hữu Lũng, UBND huyện chú trọng cải thiện môi trường đầu tư để tạo điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, tập trung đồng bộ các biện pháp để tiếp tục giữ vững và nâng hạng chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Năm 2022, huyện Hữu Lũng xếp thứ 2). Cùng đó, để tạo đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trọng điểm là cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 242 – đoạn tiếp giáp dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng…” Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng |
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhưng theo đánh giá của Sở KH&ĐT, Sở Công Thương, số nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp vào địa bàn tỉnh chưa nhiều, nhất là các doanh nghiệp chiến lược, doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc… có tiềm lực lớn trong các lĩnh vực sản xuất như: cơ khí chính xác, chế tạo chế biến, sản xuất điện, sản xuất công nghiệp công nghệ cao,…
Ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Để thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư vào địa bàn, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở KH&ĐT đang phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải…, và chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 82 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan thủ tục pháp lý đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp. Song song với đó, các sở, ngành và chính quyền các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN; tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Ông Lê Minh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư TDG GloBal (trụ sở ở tỉnh Bắc Giang) cho biết: Công ty đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận là nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN Bắc Sơn 2, huyện Bắc Sơn. Nhà đầu tư bắt đầu tập trung triển khai đầu tư từ đầu quý II/2023. Trong quá trình triển khai, chính quyền huyện Bắc Sơn đã đồng hành cùng công ty trong mọi hoạt động, nhất là trong công tác kiểm đếm, đền bù, giải phóng mặt bằng. Điều này khiến nhà đầu tư có thể toàn tâm, tập trung vật lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN này.
Cùng đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành luôn duy trì gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý dứt điểm các kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý. Ngoài ra, xác định việc chuẩn bị tốt về điều kiện kết cấu hạ tầng, đất đai là một khâu quan trọng, tiên quyết để thu hút nhà đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để tạo sức hút các nhà đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp vào địa bàn tỉnh, nhất là vào các KCN, CCN, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương và một số sở, ngành liên quan của tỉnh đang rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp để trình UBND tỉnh xem xét, nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung chính sách ưu đãi về đất đai, thuế,… Song song với đó là xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp phù hợp với hướng phát triển các lĩnh vực vực sản xuất công nghiệp trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn tới nhằm tạo nguồn lực lao động có tay nghề cao để bổ sung cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn tỉnh…
Lạng Sơn đang là một trong những điểm đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tỉnh luôn cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về TTHC, đất đai, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực… để đảm bảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn sẽ thành công và phát triển.