Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Với lợi thế có hệ thống gồm 12 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các cửa khẩu phụ, trong những năm tới, Lạng Sơn tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Bài 1: Khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển
Với diện tích 394km2, Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Đặc biệt trong giai đoạn năm 2016-2025, Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh được Chính phủ lựa chọn là một trong các Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước.
Huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng cửa khẩu
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn.
Nhờ đó, khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh đã trở thành nơi trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Vào những ngày tháng cuối năm 2024, đến với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, (huyện Cao Lộc) và cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), ai cũng nhận thấy đã có nhiều đổi thay. Hình ảnh những đoàn xe chở hàng hóa, ùn ứ kéo dài xếp dọc hai bên đường vào cửa khẩu đã giảm hẳn.
Chi cục trưởng, Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Hà Thị Kim Dung vui vẻ cho biết: Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch nông sản như: dưa hấu, thanh long… thường hay xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, nhưng giờ đây tình trạng này đã cơ bản được giải quyết.
Mới đây, tỉnh Lạng Sơn phối hợp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089; lối thông quan Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc), khu vực mốc 1090-1091; lối thông quan Cốc Nam (Việt Nam)-Lũng Nghịu (Trung Quốc), khu vực mốc 1104-1105, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí hơn 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển khu kinh tế cửa khẩu.
Trong đó, phần lớn nguồn vốn đầu tư để triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu. Điển hình là tập trung đầu tư xây dựng công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp, cải tạo đường xuất, nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình); cải tạo nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị-Bảo Lâm…
Những dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn tỉnh.
Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung kêu gọi, thu hút, huy động các nguồn vốn xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư triển khai các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu. Cụ thể từ năm 2016-2023, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu là hơn 60.000 tỷ đồng, riêng năm 2023 đã huy động 11.574 tỷ đồng đầu tư 12 dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu như: khu trung chuyển hàng hóa, khu Phi thuế quan và khu chế xuất 1…
Nỗ lực xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu
Theo Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Minh Anh: Để khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế cửa khẩu, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics nhằm đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước.
Đặc biệt mới đây, ngày 28/11, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn để thảo luận và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn. Dự án có quy mô 143,7ha với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ khai trương trong thời gian sớm nhất.
Dự án bao gồm nhiều khu chức năng như khu dịch vụ thông quan, khu lưu kho, bãi gửi xe, trung tâm giao dịch nông sản, khu trưng bày triển lãm và các dịch vụ logistics gia tăng khác. Dự án kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, đồng thời góp phần thúc đẩy Lạng Sơn trở thành trung tâm logistics chiến lược, kết nối khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
Phó Cục hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường thông tin: Để nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu, những năm qua, tỉnh đã tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cửa khẩu, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 39 doanh nghiệp đầu tư dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, bãi xe tại khu vực cửa khẩu.
Trong đó, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu (gồm: 8 kho lạnh và 20 kho hàng khô). Cùng với đó các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 23 bến bãi xe tại các cửa khẩu nhằm phục vụ xe lưu chuyển xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu.
Kết quả là từ năm 2020 đến nay, năng lực thông quan tại các cửa khẩu không ngừng tăng. Cụ thể cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có năng lực thông quan tăng hơn hai lần. Cửa khẩu Tân Thanh thông quan đạt từ 600 đến 700 xe/ngày; năng lực thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) đạt trung bình 600 xe/ngày. Đối với cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng có thể đạt 120 toa xe chở hàng/ngày.
Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương phấn chấn nói: Công ty chuyên hoạt động lĩnh vực khai thác và kinh doanh dịch vụ bến bãi, hậu cần logistics. Hiện, Công ty quản lý bến xe rộng hơn 30 nghìn m2, đáp ứng hơn 1.500 phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu luân chuyển trong ngày. Ngoài ra, Công ty còn có 4 kho bảo quản hàng lạnh và 8 kho bảo quản hàng khô với tổng diện tích hơn 1.000m2, các kho đáp ứng các nhu cầu gửi hàng hóa của các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Với những kết quả đạt được trong những năm qua, cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn, sự nỗ lực, đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, các khu kinh tế cửa khẩu sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa với những thời cơ, vận hội mới…
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc), cửa khẩu Tân Thanh, (Văn Lãng)… tiếp tục là điểm đến tin cậy và đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nguồn: https://baolangson.vn/tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-cua-khau-o-lang-son-5030679.html