Công tác quản lý, sử dụng đất đai những năm qua từng bước được triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình trạng lãng phí và vi phạm trong quản lý, sử dụng đất công vẫn gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Ðảng, Chính phủ đề ra.
Luật Ðất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, với nhiều sửa đổi, bổ sung mới, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất
Chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta về đất đai đã khẳng định rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Những năm qua, để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhiều diện tích đất được giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước triển khai các chương trình, dự án. Tuy nhiên, nhiều địa phương sau khi thu hồi đất và giao cho đơn vị, doanh nghiệp sử dụng, thuê nhưng không thực hiện gây lãng phí hoặc vi phạm trong sử dụng đất đai.
Tiến sĩ Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhận định: Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất công, hiệu quả khai thác chưa cao, còn nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua. Kết quả giám sát số 330/BC-ÐGS ngày 11/10/2022 của Ðoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV cho biết, Thanh tra Chính phủ báo cáo giai đoạn 2016-2021 cả nước phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do các đơn vị chưa quan tâm, chú trọng thực hiện đúng quy định của Luật Ðất đai, Luật Ðầu tư và nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí và sử dụng đất công. Ðặc biệt, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập.
Cụ thể, trước khi cổ phần hóa nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất hoặc xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai. Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.
Các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực đất đai cho rằng: Tình trạng chuyển nhượng đất công không đúng quy định vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công, trong đó đặc biệt là quy định về quản lý, khai thác, sử dụng đất công. Ðáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều khu đất công bị chuyển nhượng trái phép, biến đất công thành đất tư.
Ðiển hình như vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong khi đó, tình trạng các trụ sở và đất công bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là tại các thành phố lớn có nhiều đất công và cơ quan, đơn vị nhà nước đóng trên địa bàn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ…
Ðáng lo ngại, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tình trạng này để lấn chiếm đất công trái phép với nhiều mục đích khác nhau như làm bãi đỗ xe, bãi tập kết vật liệu, kinh doanh dịch vụ ăn uống; nhiều trụ sở cơ quan không được sử dụng hết diện tích, bị cho thuê tràn lan để làm cửa hàng kinh doanh, ăn uống hoặc các dịch vụ khác.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều nơi còn gặp khó khăn, bất cập, việc xử lý các dự án chậm tiến độ, thiếu quyết liệt và vi phạm trong công tác giao đất vẫn phổ biến; ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng đất còn chưa nghiêm túc, nhất là một số chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý
Theo Phó Vụ trưởng Ðất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định tại Luật Ðất đai năm 2013 dần bộc lộ nhiều hạn chế như: Quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững…
Trước thực tiễn nêu trên, Luật Ðất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều đã được ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ðặc biệt, Luật Ðất đai năm 2024, đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bổ sung thêm nguyên tắc công khai, minh bạch khi định giá đất…
|
Những nội dung nêu trên được coi là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công; đồng thời giúp các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực thi chính sách, pháp luật quản lý đất đai nói chung, quản lý trong sử dụng đất công nói riêng ở nước ta thời gian tới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh (Hội Luật gia Việt Nam) chia sẻ, Luật Ðất đai năm 2024 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công tại khu vực này.
Tuy nhiên, Luật Ðất đai năm 2024 liên quan đến tài sản công, song hành với đó còn có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công được định nghĩa bao gồm rất nhiều tài sản, trong đó có đất đai. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ nội hàm đất công, tài sản công giữa Luật Ðất đai năm 2024 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 vẫn còn một số điểm vướng mắc cần nhận diện, khắc phục.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam mong muốn, Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý các dự án treo, vi phạm các quy định về pháp luật đất đai, đầu tư, nhất là khu vực đất công; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án vi phạm về đất đai, từ đó có các giải pháp xử lý, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
Ðặc biệt, cần tổng hợp đầy đủ các trường hợp vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất, việc xử lý, thu hồi đất đai để sớm đưa đất đai vào sử dụng, phát huy hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí, góp phần phát triển kinh tế.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trong đó đề nghị nâng mức xử phạt hành chính ở mức cao hơn để hạn chế các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất; nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức; kịp thời khắc phục các bất cập, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước.
Ðồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, sai phạm về đất đai; chậm thực hiện các kiến nghị của thanh tra, không kịp thời thu hồi vốn, tài sản của Nhà nước.
Nguồn: https://baolangson.vn/tang-cuong-viec-quan-ly-su-dung-dat-cong-5029563.html