– Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Xã Tân Thành hiện có 1.807 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10 thôn, bản. Với tiềm năng về phát triển kinh tế đồi rừng, từ năm 2010, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng và bảo vệ rừng. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới hơn 100 ha rừng, đến nay, diện tích rừng trồng của xã trên 2.600 ha, chủ yếu là bạch đàn và keo. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã căn cứ vào điều kiện thực tế, tuyên truyền người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có trên 150 ha cây ăn quả, trong đó 80 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người dân thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành thu hoạch quả cam
Anh Hồ Văn Sỹ, thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành cho biết: Nhận thấy cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng 3 ha cam Vinh và cam đường Canh, sau 2 năm, cây bói quả và cho thu hoạch. Năm 2019, gia đình tôi được UBND xã hỗ trợ 35.000 cây giống và hệ thống vòi tưới nhỏ giọt để mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng lên. Hiện nay, gia đình có 5 ha cam các loại, sản lượng trung bình đạt từ 30 đến 40 tấn quả/năm, sau khi trừ chi phí thu nhập đạt khoảng 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm thêm cho 12 lao động tại địa phương.
Ngoài gia đình anh Sỹ, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Đến nay, người dân toàn xã đã phát triển được trên 50 mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi gia súc như: lợn (trên 1.000 con); chăn nuôi gà (60.000 con); mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp (trên 4.000 con); mô hình trồng lúa Nhật J02; rau an toàn… đem lại thu nhập cho nhiều hộ từ 150 đến 250 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu về cây dược liệu trên thị trường ngày càng cao, từ năm 2021 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đưa giống cây cỏ ngọt, dây thìa canh… về trồng tại vườn. Đến nay, toàn xã trồng được trên 5 ha dược liệu, tập trung tại các thôn: Gốc Gạo, Làng Cống, Ao Kham…
Anh Lăng Văn Sỹ, thôn Làng Cống cho biết: Năm 2021, gia đình tôi được UBND xã hỗ trợ giống cây dây thìa canh về trồng tại 2 sào ruộng với số lượng 500 cây. Sau 6 tháng cây cho thu hoạch vụ đầu tiên, gia đình tôi thu được từ 70 đến 80kg/sào/vụ, với giá bán từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg. Hiện tại, người dân chúng tôi không lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Đến nay, gia đình đã có trên 3 sào thìa canh đang cho thu hoạch, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng để trồng tiếp thêm 2 sào.
Song song với việc khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu cho bà con.
Ông Phùng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Song song với việc tập huấn, hỗ trợ cây, con giống, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, xã đã có 531 lượt hộ được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt gần 20,8 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay được người dân sử dụng chủ yếu với mục đích trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động, tích cực từ người dân, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 51 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 1,43%, giảm 9% so với năm 2016.