Quảng bá điện ảnh ra thế giới là vấn đề mà bất cứ nền điện ảnh nào cũng mong muốn và đặt ra mục tiêu, chiến lược để đạt được. Đó là xác lập được tên tuổi nền điện ảnh quốc gia, dân tộc trên bản đồ điện ảnh thế giới; là chiến lược quảng bá văn hóa, chiến lược kinh doanh, xây dựng công nghiệp điện ảnh của mỗi quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 xác định quan điểm định hướng chung là: “Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế”. Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016), công nghiệp điện ảnh được xác định như một ngành mũi nhọn.
Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới là một nhiệm vụ lâu dài, được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định mục tiêu quan trọng là “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Theo đó, Nghị quyết cũng vạch ra một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong khoảng 10 năm, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 có 256 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài, gồm các phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và nước ngoài, phim của nước ngoài đến Việt Nam thực hiện cảnh quay và do Việt Nam cung cấp dịch vụ sản xuất. Trong đó, năm 2016 có 37 dự án, năm 2019 – trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát – có 35 dự án, 2020 có 30 dự án. Và sau khi dịch COVID thì số lượng giảm đi đáng kể, năm 2021 chỉ có 7 dự án, 2022 có 22 dự án, 6 tháng đầu năm 2023 mới có 2 dự án.
Trong khoảng 5 năm gần đây, một số các bộ phim có doanh thu cao ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp sản xuất phim chủ động phát hành ra nước ngoài và có kết quả khá ấn tượng. Chúng ta có thể thấy số liệu doanh thu đáng mừng của các bộ phim đã từng đạt doanh thu lớn tại Việt Nam khi phát hành tại nước ngoài (Mỹ, Trung Quốc, Australia…) như phim: Bố già, Hai Phượng, Lật mặt 4: Nhà có khách…
Chưa được đầu tư thích đáng
Theo TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, trước hết, muốn chinh phục được khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài thì tác phẩm điện ảnh phải mang nét đặc sắc, nói rộng hơn là mang bản sắc dân tộc.
“Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã xác định: ‘Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước’. Tôi tạm lấy hai đặc điểm của điện ảnh Việt Nam là lòng yêu nước và tính nữ để chứng minh rằng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong những bộ phim mang đậm bản sắc dân tộc đã chinh phục được khán giả các nước trên thế giới như thế nào”, TS. Ngô Phương Lan cho biết.
Tuy nhiên TS. Ngô Phương Lan đã chỉ ra một số những hạn chế của điện ảnh Việt Nam, như mặc dù có những giá trị được ghi nhận, nhưng điện ảnh Việt Nam mới chỉ làm được những việc nho nhỏ, trong phạm vi vừa phải, thậm chí “đến đâu hay đấy”. Ví dụ: Phim Việt Nam rất ít xuất hiện trong mạng lưới phát hành ở nước ngoài, mà hầu như chỉ được biết đến qua một số liên hoan phim quốc tế và khu vực, các tuần phim, tuần văn hóa. nghĩa là mỗi bộ phim được chọn tham dự các hoạt động này thì cũng chỉ chiếu 1-2 lần rồi thôi. Như vậy, số người được xem phim Việt Nam mới ở trong phạm vi rất nhỏ hẹp, có thể nói là “muối bỏ bể”.
Nguyên nhân là do chúng ta chưa có những bộ phim xuất sắc có thể chinh phục thế giới như một số phim đỉnh cao của một số nước châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran…). Nhưng cũng có một nguyên nhân sâu xa là chưa có sự quan tâm thích đáng từ Nhà nước để phát huy thế mạnh của điện ảnh như một kênh hữu hiệu quảng bá hình ảnh đất nước và quảng bá du lịch.
Một số bộ phim Việt Nam bán được cho nước ngoài, được chiếu ở rạp hoặc trên truyền hình và các nền tảng số hầu hết là của các hãng phim tư nhân sản xuất, rất hãn hữu mới có phim Nhà nước đặt hàng/tài trợ. Có lẽ một phần do phim đặt hàng của Nhà nước chưa đạt được sức hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng một phần còn do cách quảng bá, tiếp thị các phim này rất yếu, hầu như… bằng không!
Thị trường điện ảnh Việt Nam thiếu tính bền vững và cạnh tranh chưa lành mạnh
Thị trường điện ảnh Việt Nam, tuy được coi là một thị trường phát triển “nóng” nhưng thiếu tính bền vững và cạnh tranh chưa lành mạnh. Chúng ta không thể so sánh với các thị trường điện ảnh lớn mạnh ở châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ngay trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta cũng đang phải đuổi theo Thái Lan, Philippines, Indonesia – đặc biệt là ở phần phát triển thị trường ra nước ngoài.
Như vậy, so với mục tiêu trong Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam (2013) và Chiến lược phát triển các ngành văn hóa Việt Nam (2016), doanh thu điện ảnh tại Việt Nam năm 2018 vượt chỉ tiêu năm 2020, nhưng chưa đạt chỉ tiêu xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài. Trong nhiều năm qua, các cơ quan Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đưa phim Việt ra thị trường quốc tế. Hầu hết phim bán được ra nước ngoài đều do các công ty tư nhân tự xoay xở một cách nhỏ lẻ và đơn độc.
Giải bài toán khó: Phát triển thị trường quốc tế cho điện ảnh Việt
Theo TS. Ngô Phương Lan, điện ảnh là ngành có tính quốc tế rất cao, theo doanh thu tác phẩm điện ảnh trên thị trường quốc tế lớn gấp nhiều lần thị trường nội địa, nhưng làm thế nào để phát triển thị trường quốc tế cho điện ảnh Việt là bài toán khó. Việc cần làm là phải có chiến lược quảng bá phim Việt ra thế giới ở 3 cấp độ: Một là tham dự các tuần phim Việt Nam, ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa nghệ thuật theo thỏa thuận, hiệp định, quan hệ ngoại giao… (chọn phim đáp ứng yêu cầu đối ngoại); hai là tham dự các liên hoan phim quốc tế (chọn phim có giá trị nghệ thuật và có tìm tòi mới mẻ); ba là thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài (đối với phim có giá trị thương mại, giá trị nhân văn).
Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh đưa phim Việt Nam phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim cùng việc phát triển các sản phẩm “ăn theo” phim như nhiều nước đã làm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế nên gắn điện ảnh vào mọi hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực văn hoá, kinh tế, ngoại giao… Điều này vừa thúc đầy sự phát triển của điện ảnh vừa có thể đưa Việt Nam đến gần với thế giới hơn.
Một vấn đề rất cần được quan tâm là, hầu hết các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ trên thế giới được hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài và đạt được thành công tại các liên hoan phim quốc tế. Luật Điện ảnh hiện hành ban hành năm 2006 quy định việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng đến nay đã 15 năm, quỹ vẫn chưa được thành lập. Nếu có quỹ này thì nên lấy mục tiêu trọng tâm của quỹ là lựa chọn, hỗ trợ cho các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, tạo thành dòng phim thành công từng bước tại các liên hoan phim quốc tế.
TS. Ngô Phương Lan cũng nêu lên thực trạng một số phim được cho là nghệ thuật của các đạo diễn trẻ được trao giải đây đó tại liên hoan phim quốc tế và được dư luận tung hô nhưng lại gặp nhiều vướng mắc với cơ quan quản lý (trường hợp phim Ròm được giải cao tại Liên hoan phim quốc tế Busan bị phạt và gây xôn xao dư luận trong năm 2019, hay phim Vị được giải tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2021 bị cấm phổ biến).
Khuyến khích và hướng nhà làm phim vào những gì mang hồn cốt dân tộc
Theo TS. Ngô Phương Lan, nên chăng tìm cách khuyến khích và hướng nhà làm phim, nhất là người trẻ, vào những gì mang hồn cốt dân tộc, bởi nếu sáng tác “cái mới” mà vay mượn, lai căng có thể nhất thời “tạo sóng” ở đâu đó, nhưng tác phẩm của không thể sống với thời gian.
Tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều quốc qua, TS. Ngô Phương Lan cho rằng, Nhà nước có thể đầu tư hoặc khuyến khích sản xuất một dòng phim “đối ngoại” với mục tiêu giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, truyền thống văn hóa… Bên cạnh đó, những phim nghệ thuật, phim độc lập được tạo điều kiện sản xuất, được tài trợ bởi các quỹ điện ảnh, được khích lệ tranh giải tại các liên hoan phim. Với phim có khả năng ra thị trường quốc tế, nhiều nước có cơ chế ưu đãi cho các hãng phim, các công ty phát hành đưa đến các hội chợ phim quốc tế giới thiệu tại các gian hàng quốc gia nhằm quảng bá đất nước và mở rộng thị trường phim ảnh.
Đẩy mạnh hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước
Bên cạnh đó, việc hợp tác sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài là lĩnh vực rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn cho đất nước, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam thật sự hữu hiệu và góp phần phát triển du lịch.
Một bộ phim bao giờ cũng gắn với những con người, bối cảnh, đạo cụ, tình huống cụ thể. Nói khái quát là nó mang mầu sắc/bản sắc của dân tộc này hay dân tộc khác. Nói cụ thể hơn, bộ phim ấy có thể chứa đựng trong nó những nội dung và hình ảnh quảng bá cho nhiều khía cạnh cuộc sống, địa danh, sản phẩm và dịch vụ… Bởi vậy, ở tất cả các nước trên thế giới, người ta coi hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là lĩnh vực quan trọng – thậm chí quan trọng nhất – để phát triển điện ảnh, theo đó có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác. Đó là thủ tục minh bạch và đơn giản, và điều quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài đến quay phim là ưu đãi sản xuất phim, nghĩa là hoàn trả lại thuế và trung bình 15-30% chi phí sản xuất phim tại nước sở tại.
Mặc dù có nhiều thuận lợi với phong cảnh độc đáo chưa được khám phá và phát lộ trên màn ảnh; đa dạng vùng miền; đất nước có bề dày lịch sử-văn hóa có thể viết nên nhiều câu chuyện đặc sắc; giá nhân công và giá cả sinh hoạtdịch vụ rẻ… nhưng những khó khăn, hạn chế việc hợp tác làm phim ở Việt Nam với nước ngoài cũng rất nhiều. Theo TS. Ngô Phương Lan, đó là thủ tục chưa rõ ràng, có trường hợp có giấy phép quay phim từ Trung ương, nhưng lại mắc về thủ tục tại địa phương, hoặc cơ quan này đồng ý cơ quan khác chưa đồng thuận; không có cơ chế ưu đãi về thuế và trả lại % tiền chi tiêu tại địa phương; thủ tục xuất nhập cảnh trang thiết bị chậm trễ và phức tạp; dịch vụ liên quan quá trình làm phim nhỏ lẻ và chưa chuyên nghiệp… Đây là những thách thức rất cần vượt qua để Việt Nam có thể tận dụng được kênh quảng bá hình ảnh đất nước qua việc làm phim với nước ngoài.
“Nếu nhìn một cách thấu đáo rằng mỗi lần phổ biến một bộ phim là một lần lan tỏa bản sắc dân tộc, hình ảnh đất nước và con người, đồng thời tại các sự kiện điện ảnh (tuần phim, liên hoan phim, lễ hội điện ảnh…), người ta có thể lồng ghép nhiều hoạt động khác: Quảng bá du lịch, ẩm thực, sản phẩm truyền thống và hàng tiêu dùng; triển lãm tranh, biểu diễn thời trang, lễ hội… thì càng thấy tầm quan trọng của việc quảng bá đất nước qua điện ảnh”, TS. Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Cần thiết phải xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành điện ảnh Việt Nam
Cục Điện ảnh cho biết một số giải pháp để xúc tiến và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, như: Xây dựng gian hàng của Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng để giới thiệu điện ảnh Việt Nam một cách chính thống, bài bản, cung cấp thông tin về tác phẩm điện ảnh Việt, các bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác.
Thường xuyên cập nhật thông tin, tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế và khu vực; có kế hoạch giới thiệu điện ảnh Việt Nam bài bản. Việc tham gia nhiều các liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế uy tín là cách để tạo ra nhiều cơ hội giới thiệu, sản xuất hoặc hợp tác sản xuất phim, mở rộng giao lưu, hợp tác sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài; tham gia chợ phim để tổ chức giới thiệu, mua bán phim, các thiết bị kỹ thuật của ngành điện ảnh, tạo cơ hội hợp tác, ký kết các hoạt động điện ảnh.
Đồng thời, tổ chức những sự kiện điện ảnh, xây dựng đề án tổ chức những liên hoan phim mang tính quốc tế định kỳ mang dấu ấn riêng của đất nước: Liên hoan phim du lịch, liên hoan phim thanh thiếu niên, phụ nữ, liên hoan phim môi trường…
Theo Cục Điện ảnh, cần thiết phải xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành điện ảnh Việt Nam, với nội hàm gồm các thông tin của ngành, về chính sách phát triển điện ảnh, về các hoạt động điện ảnh, như sản xuất phim, phát hành, phổ biến phim, lưu chiểu, lưu trữ phim, đào tạo, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh, cung cấp dịch vụ làm phim, nguồn nhân lực, trang thiết bị điện ảnh…; các dữ liệu có liên quan, như danh lam thắng cảnh có thể chọn làm bối cảnh quay phim, các chế độ ưu đãi…
Cùng với những nhiệm vụ nêu trên, một công việc hết sức quan trọng, thiết thực, đó là các cơ quan tham mưu, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tích cực để thực hiện tốt nhiệm vụ luật hóa các chủ trương, hiện thực hóa các quy định của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng trong thực tiễn, xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Trong đó công tác quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, liên kết phát triển du lịch thông qua điện ảnh, góp phần thực hiện Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc Phê duyệt chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 của Thủ tướng Chính phủ, với những nhiệm vụ và giải pháp để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/tan-dung-the-manh-cua-dien-anh-de-quang-ba-hinh-anh-viet-nam-ra-the-gioi-102231012182417477.htm