Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần làm “thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới”.
Thắng lợi nêu trên bắt nguồn từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập tự cường và tinh thần đoàn kết chiến đấu ngoan cường của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó còn nhờ vào sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc.
Ngay từ khi mới thành lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhiều lực lượng tiến bộ ở các quốc gia-dân tộc trên thế giới. Tháng 1/1950, Trung Quốc và Liên Xô lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Kể từ đây, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam có một “hậu phương” to lớn, quan trọng về tinh thần và mở đầu việc tiếp nhận sự viện trợ, giúp đỡ về vật chất của bạn bè thế giới.
Trước yêu cầu giúp đỡ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, các nhà lãnh đạo Liên Xô khẳng định: “Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có, thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả” (1); đồng thời, nhiều đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam được đưa sang Trung Quốc học tập, huấn luyện và tiếp nhận các loại vũ khí, khí tài do Liên Xô viện trợ. Trước khi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ mở màn, Trung đoàn pháo binh 45 trang bị pháo 105 mm cùng Trung đoàn pháo cao xạ 367 trang bị 72 khẩu pháo cao xạ 37 mm, 72 khẩu súng máy 12,7 mm do Liên Xô viện trợ đã hoàn thành các khóa huấn luyện và trở về Việt Nam tham gia chiến đấu.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình, ngày 6/12/1953, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại những cố gắng cao nhất, hình thức phòng ngự mới nhất của quân Pháp, tạo ra cục diện mới trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Ủng hộ chủ trương đó, Chính phủ Trung Quốc gấp rút gửi sang Việt Nam: “200 ô-tô, hơn 10.000 thùng dầu, hơn 3.000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực” (2). Thời điểm này, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tích cực phối hợp cùng các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam để khảo sát, xây dựng kế hoạch tác chiến và chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định tình hình chiến trường có nhiều thay đổi, nếu thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không bảo đảm chắc thắng. Vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo và được Bộ Chính trị chấp thuận quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đối với chủ trương này, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đều nhất trí ủng hộ và đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gửi gấp sang Việt Nam những tài liệu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu mới nhất ở Triều Tiên, nhất là kinh nghiệm xây dựng trận địa, chiến đấu đường hầm và cách đánh bằng chiến hào, bao vây, đánh lấn.
Giữa lúc quân và dân ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26/2/1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi điện cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bày tỏ lập trường về Hội nghị Genève và những vấn đề khác liên quan đến Việt Nam: “…trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng phải làm cho Hội nghị trở nên có lợi nhất cho nhân dân Việt Nam” (3). Tiếp đó, ngày 27/2/1954, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Molotov khẳng định, không chấp nhận sự hiện diện của các phái đoàn quốc gia liên kết trong Hội nghị Genève nếu như Việt Nam Dân chủ cộng hòa không có mặt.
Phát huy đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, từ năm 1950 đến 1954, Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều lực lượng tiến bộ trên thế giới và nhận được 32.311 tấn hàng viện trợ cùng 1.640 xe các loại (4). Trong tổng số viện trợ nêu trên, viện trợ của Liên Xô chiếm giữ một khối lượng quan trọng, gồm: 128 khẩu súng máy cao xạ 12,7 mm, 112 khẩu pháo cao xạ 37 mm (5), 1.489 xe các loại (6). Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1.700 tấn gạo (bằng 6,8% tổng số gạo dùng trong chiến dịch), 36.000 viên đạn 105 mm, cùng 24 khẩu pháo; một tiểu đoàn ĐKZ 75 mm, một tiểu đoàn Kachiusa (do Liên Xô cung cấp), cùng 1.136 viên đạn (7). Nguồn viện trợ quân sự quan trọng này góp phần thu hẹp khoảng cách về hỏa lực giữa các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và quân đội Pháp.
Vào lúc 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, các đơn vị tham gia chiến dịch chính thức nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sự xuất hiện lần đầu của pháo 105 mm và cách đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đã góp phần nâng cao hiệu suất cho trận mở màn tiến công cứ điểm Him Lam. Tiếp tục phát huy linh hoạt, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, bộ đội ta đã “đưa trận địa chiến hào vào sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm” (8), từng bước thắt chặt vòng vây, triệt tiếp tế, tiếp viện bằng đường không của tập đoàn cứ điểm. Trước khi đợt tiến công thứ ba bắt đầu, Tiểu đoàn 224-Tiểu đoàn hỏa tiễn phóng loạt H6 được thành lập. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cố vấn Trung Quốc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 224 nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật bắn và kịp thời phát huy hỏa lực, yểm trợ tích cực cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch.
Trong lúc các đơn vị quân Pháp đang bị vây hãm tại lòng chảo Điện Biên Phủ, ngày 2/5/1954, Chính phủ Mỹ buộc phải chấp nhận lập trường kiên định của Chính phủ Liên Xô về việc Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một bên trong Hội nghị Genève. Cộng hưởng với những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, ngày 7/5/1954, các đơn vị tham gia chiến dịch thực hiện lệnh tổng công kích, tiêu diệt các cứ điểm cuối cùng, đánh chiếm Sở Chỉ huy địch, hoàn thành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thắng lợi của quá trình vận động mở rộng đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong đó, sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những kinh nghiệm nêu trên tiếp tục được phát triển, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phát huy giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
_________________
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.14.
(2) Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch và hiệu đính), tr.136.
(3) Dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.42.
(4) Số lượng hàng viện trợ đã tiếp nhận từ năm 1950 đến năm 1955, Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Tổng Cục hậu cần, Hồ sơ: 565, tr. 4, 165; Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp-Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 459: Tổng số hàng viện trợ quốc tế: 21.517 tấn, trị giá 136 triệu đồng nhân dân tệ (34 triệu rúp), trong đó về vũ khí trang bị kỹ thuật của Liên Xô có: 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6, 685/715 xe ô-tô vận tải.
(5) Thống kê súng pháo nhập qua các năm 1950-1954, Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Tổng Cục hậu cần, Hồ sơ: 565, tr.179.
(6) Nhu cầu đặc biệt năm 1955 xin Liên Xô-Xe xin được từ năm 1951 đến nay, Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục Đối ngoại, Hồ sơ: 1, tr. 74.
(7) Phạm Mai Hùng, Sự giúp đỡ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1945-1954), trong sách: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy-Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.538.
(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.1.039.
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.14.
(2) Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch và hiệu đính), tr.136.
(3) Dẫn theo: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.42.
(4) Số lượng hàng viện trợ đã tiếp nhận từ năm 1950 đến năm 1955, Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Tổng Cục hậu cần, Hồ sơ: 565, tr. 4, 165; Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp-Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 459: Tổng số hàng viện trợ quốc tế: 21.517 tấn, trị giá 136 triệu đồng nhân dân tệ (34 triệu rúp), trong đó về vũ khí trang bị kỹ thuật của Liên Xô có: 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6, 685/715 xe ô-tô vận tải.
(5) Thống kê súng pháo nhập qua các năm 1950-1954, Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Tổng Cục hậu cần, Hồ sơ: 565, tr.179.
(6) Nhu cầu đặc biệt năm 1955 xin Liên Xô-Xe xin được từ năm 1951 đến nay, Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục Đối ngoại, Hồ sơ: 1, tr. 74.
(7) Phạm Mai Hùng, Sự giúp đỡ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1945-1954), trong sách: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy-Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.538.
(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.1.039.