Đọc cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” tôi tâm đắc với hai bài học kinh nghiệm được rút ra qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua.
Ảnh: Trần Hải |
Bài học thứ nhất, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,… với động cơ không trong sáng.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Bài học thứ hai, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu.
Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện? Đây là bài học rất đau xót, cho nên mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức.
Qua hai bài học có thể thấy, sự rèn luyện tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Sự rèn luyện tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tôi và nhiều đảng viên tại cơ sở đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là: không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được chủ quan, nóng vội, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Để làm được như vậy, Tổng Bí thư chỉ rõ: Phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Theo tôi, văn hóa liêm chính mà Tổng Bí thư đề cập tới chính là một trong những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực…
Việc sớm xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu đi đầu, đồng thời giúp Trung ương nhanh chóng hoàn thiện cơ chế “không muốn tham nhũng” – một giải pháp quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.