Mặc dù Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định ban đầu về điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức.
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 – 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc TOP 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.
Số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đánh giá: Thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như: Mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh số tăng nhanh trong thời gian ngắn; nhanh chóng nắm bắt ý kiến phản hồi của khách hàng để kịp thời cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường; giải quyết bài toán thời vụ…
Để quản lý kênh bán lẻ hiện đại này, năm qua, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, thanh tra và xử lý các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.
Tính đến năm 2024, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 89.802 doanh nghiệp, tổ chức và 27.878 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 117.075 website thương mại điện tử và 9.256 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký; hồ sơ đăng ký của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử được thực hiện toàn bộ thông qua Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đảm bảo xử lý nhanh chóng, hiệu quả và không phát sinh tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ.
Dù đã rất nỗ lực trong giám sát, quản lý song vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Riêng đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử cho rằng, việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái còn đang gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định ban đầu về điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức.
Trước thực tế này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Tăng cường truyền thông để người tiêu dùng thận trọng hơn
Tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và nền tảng như Temu, Shein nói riêng, đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, nhằm nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giới chuyên gia nhận định, năm 2025, kinh tế số, thương mại điện tử tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp và cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, thực phẩm. Song điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với vai trò của mình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất việc ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử; quản lý giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng; đấu tranh, xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thương mại điện tử; tăng cường giám sát các nền tảng thương mại điện tử thực hiện các hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật.
Temu, Shein dừng hoạt động sau khi bị Bộ Công Thương ‘tuýt còi’ Ngày 4/12/2024, Bộ Công Thương cho biết Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ và được yêu cầu. Hiện các đơn hàng mua trên sàn Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi nào được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan Hải quan mới thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn này. Mặc dù đã tạm dừng hoạt động tại Việt Nam nhưng một số đơn khách Việt đặt hàng trên Temu vẫn trong trạng thái chờ. Số tiền dư trong ví tín dụng Temu không thể sử dụng để chi tiêu hay rút về. Nhiều người hoang mang do những đơn hàng đã thanh toán trước giờ đây bị ‘treo’, khả năng hoàn tiền vẫn là câu hỏi lớn. Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, một trong những nguyên nhân có thể do phía hải quan quy định không thông quan hàng cho những sàn thương mại điện tử chưa đăng ký với Bộ Công Thương, khiến hàng hóa của sàn Temu không được vào Việt Nam. Người mua hàng có thể chờ Temu hoàn thiện thủ tục đăng ký, nếu không nhận được hàng đúng hạn có thể họ sẽ hoàn tiền. Trong khi Temu – thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings – mới cung cấp dịch vụ ở Việt Nam được 2 tháng, thì Shein – nền tảng bán lẻ thời trang nhanh – đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 2 năm. Tương tự như Temu, ngày 5/12/2024, nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc Shein cũng đã tạm dừng hoạt động tại Việt Nam. Trên trang web của mình, Shein thông báo nền tảng này hiện không khả dụng tại Việt Nam và họ đang làm việc với Bộ Công Thương để đăng ký dịch vụ thương mại điện tử.
|
Nguồn: https://baolangson.vn/siet-chat-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-qua-bien-gioi-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-5035354.html