Xe chở hàng hóa XNK qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
– Năm 2023, hoạt động giao thương hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của tỉnh đã diễn ra sôi động và đạt được thành quả tích cực. Theo đó, không chỉ kim ngạch hàng hóa XNK qua các cửa khẩu của tỉnh tăng trưởng mạnh so với năm trước, mà lượng phương tiện thông qua trung bình mỗi ngày cũng đã đạt ngang bằng thời điểm của những năm trước khi có dịch COVID-19.
Những kết quả tích cực
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một trong những cửa khẩu đường bộ lớn nhất cả nước, lúc nào cũng sôi động và hối hả. Điều đó được minh chứng bằng số lượng xe chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu này trong những ngày giáp Tết Nguyên đán vẫn luôn nhộn nhịp. Theo đó, trung bình mỗi ngày có gần 700 xe chở hàng hóa xuất, nhập thực hiện thông quan.
Trước thềm năm mới, bà Hà Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị vui mừng cho biết: Năm 2023, chi cục đã làm thủ tục hải quan cho 5.663 doanh nghiệp đối với tất cả các loại hình XNK với tổng kim ngạch hơn 40,3 tỷ USD, trong đó, số lượng doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa XNK tại chi cục là 2.857 doanh nghiệp, kim ngạch đạt trên 2,9 tỷ USD, tăng hơn 120% so với năm 2022; số thu thuế từ hoạt động XNK của chi cục cũng được gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2022, chiếm khoảng 90% trong tổng số thu của toàn Cục Hải quan Lạng Sơn.
Năm 2023, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 56,2% so với năm 2022. Mục tiêu hướng tới trong năm 2024 của tỉnh là tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn (khai báo tại cơ quan hải quan của tỉnh) đạt 5 tỷ USD, tổng số thu thuế từ hoạt động XNK đạt 5.000 tỷ đồng trở lên. |
Cũng giống như Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, những ngày giáp tết, lưu lượng xe chở hàng hóa nông sản, hoa quả tươi XNK qua Cửa khẩu Tân Thanh đều đạt từ 350 – 400 xe/ngày. Tân Thanh là cửa khẩu đường bộ có kim ngạch mặt hàng nông sản, hoa quả XNK cao nhất khu vực miền Bắc. Vì thế, càng giáp Tết Nguyên đán, lưu lượng xe chở nông sản, nhất là các loại hoa quả tươi thông quan càng tăng. Năm 2023, kim ngạch hàng hóa XNK qua cửa khẩu đã đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022 (chiếm 95% kim ngạch hàng nông sản, hoa quả).
Cán bộ hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra, giám sát xe chở hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu
Ngoài 2 cửa khẩu trên, trong những ngày tết đến xuân về, 5 cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh vẫn đang duy trì hoạt động thông quan hàng hóa thông suốt, với hiệu suất và lượng hàng hóa thông quan ngày một tăng cao. Có thời điểm, lượng xe chở hàng hóa thông quan qua cả 7 cửa khẩu trong ngày đạt khoảng 1.400 xe.
Ông Đinh Trung Kiên, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Số lượng xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh trong thời điểm này đã ngang bằng với thời điểm của năm 2019 – thời điểm chưa xuất hiện dịch COVID-19. Kết quả này cho thấy các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh đã tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh XNK thông thoáng hơn nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động XNK đến với Lạng Sơn. Bên cạnh đó, những nỗ lực của các sở, ngành, lực lượng tại cửa khẩu trong năm 2023 với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp XNK cũng đã góp phần không nhỏ vào kết quả trong lĩnh vực XNK hàng hóa qua địa bàn của tỉnh.
Việc hiệu suất hàng hóa thông quan tăng, hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu được thông suốt trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, những người vui nhất chính là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực XNK.
Anh Đỗ Xuân Linh, đại diện Công ty TNHH Logistics LTK Lạng Sơn hồ hởi: Cuối năm, nhất là giáp tết, số lượng hợp đồng thực hiện XNK hàng hóa có nhiều hơn. Sự hỗ trợ của lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã giúp doanh nghiệp thực hiện suôn sẻ các chuyến hàng, tất cả các lô hàng hóa XNK của công ty đều được thông quan nhanh chóng mà không gặp vướng mắc, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh mà còn giúp các doanh nghiệp giảm, tránh các tổn thất không đáng có.
Những giải pháp đúng, trúng
Những kết quả trên cho thấy, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã và đang là những cửa khẩu quan trọng giúp kết nối và thực hiện giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, cũng như giữa các nước trong khu vực ASEAN với Trung Quốc nói chung.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Năm 2023, kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Điều đó được thể hiện qua việc hạ tầng KTCK và các khu vực cửa khẩu của tỉnh tiếp tục được đầu tư về hệ thống đường giao thông, nhà làm việc liên ngành và nhà công vụ của các lực lượng chức năng, các bến bãi, kho hàng tại các cửa khẩu được quan tâm đầu tư mở rộng, các dịch vụ hỗ trợ XNK ngày càng được chú trọng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân XNK qua địa bàn. Cùng đó, hoạt động giao lưu, đối ngoại giữa các ngành, địa phương, lực lượng chức năng hai bên (Lạng Sơn, Việt Nam – Quảng Tây, Trung Quốc) thường xuyên được duy trì,… Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp, gia tăng năng lực thông quan hàng hóa, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp XNK hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, thời gian qua, tỉnh cũng tích cực triển khai “số hóa” các hoạt động tại cửa khẩu và việc triển khai hiệu quả Nền tảng cửa khẩu số đã mang lại sự đột phá, từ đó tạo môi trường thông quan XNK hàng hóa thuận lợi. Theo đó, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nền tảng cửa khẩu số, hiện đã có hơn 1.865 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số, 100% phương tiện chở hàng hoá XNK được các doanh nghiệp khai báo trực tuyến trước khi vào cửa khẩu và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh đã có hơn 330 nghìn phương tiện được các doanh nghiệp khai báo trên Nền tảng cửa khẩu số.
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Kết quả XNK hàng hóa qua địa bàn thời gian qua có nhiều tín hiệu khả quan. Để có được những kết quả đó, năm 2023, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn. Điều đặc biệt, với những giải pháp tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đã giúp nâng tỷ lệ xuất siêu. Minh chứng cụ thể chính là con số kim ngạch xuất khẩu năm 2023 qua địa bàn đạt gần 2,75 tỷ USD, tăng 166,9% so với năm 2022 (nhập khẩu đạt 2,05 tỷ USD).
Với kết quả của năm 2023 và khí thế của những ngày đầu năm, tin rằng, năm 2024, với sự linh hoạt trong triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh tiếp tục tăng cao hơn nữa.