– Thời điểm này, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu có những diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Trước thực trạng đó, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp để ngăn hàng lậu vận chuyển qua biên giới, cửa khẩu, cũng như trong khu vực nội địa.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp lực lượng quản lý thị trường tỉnh thu giữ giữ lô hàng túi xách, ví da nhập lậu trên khâu lưu thông
Theo quy luật, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa trong nước thời điểm cuối năm sẽ tăng cao. Trước thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm cách gia tăng vận chuyển hàng lậu vào địa bàn nội địa để tiêu thụ.
Diễn biến phức tạp
Trong tháng 10/2023, lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc với nhiều đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn.
Điển hình, tối 1/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp với Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Đội 389 tỉnh) đã thực hiện dừng xe ô tô đang lưu thông từ địa phận huyện Lộc Bình về thành phố Lạng Sơn. Qua kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có gần 1.000 đơn vị hàng hóa gồm các loại quần áo, túi xách, giày dép… có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam. Qua điều tra, xác minh, lô hàng hóa này đều là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, giá trị hàng hóa gần 200 triệu đồng.
Gần đây, vào ngày 20/10, Tổ nghiệp vụ của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã phát hiện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sơn Anh thực hiện nhập khẩu một số máy đào bánh xích nhưng đều là những loại máy đã qua sử dụng, tẩy xóa số khung, số máy. Đây là hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
Đây chỉ là 2 trong số 150 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu mà các lực lượng chức năng chuống buôn lậu của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện trong tháng 10/2023. Số vụ buôn lậu, vận chuyển hàng lậu được cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ trong tháng 10/2023 tăng 18,07% so với thời điểm cùng kỳ năm 2022. Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố 61 vụ với 78 đối tượng.
Ngoài một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh, hàng cấm như pháo nổ, ma túy, số lượng hàng lậu do các cơ quan thu giữ trong tháng 10/2023 chủ yếu là hàng mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng,…
Qua các vụ phát hiện, bắt giữ, các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh nhận định, từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu về hàng hóa tại thị trường trong nước tiếp tục tăng cao, tình trạng buôn lậu và vận chuyển hàng lậu sẽ còn gia tăng mạnh.
Trong 10 tháng của năm 2023, các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 1.092 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng trị giá tang vật tịch thu 27,21 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 22,15 tỷ đồng. Phạt bổ sung, truy thu thuế, buộc nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm là 14,51 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 400 vụ buôn lậu với 575 đối tượng. |
Tăng cường ngăn chặn
Để ngăn hàng lậu, các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh như: bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường… đã và đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng lậu ngay từ biên giới, cửa khẩu và trên khâu lưu thông.
Trung tá Nguyễn Đức Bính Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết: Từ giữa tháng 9/2023, Đồn Biên phòng Chi Ma đã thực hiện bố trí cán bộ chốt tại một số đường mòn, lối tắt, đồng thời tăng cường quân số cho các tổ công tác chống buôn lậu của đơn vị để triển khai tuần tra khép kín toàn tuyến biên giới thuộc đồn quản lý.
Không chỉ Đồn Biên phòng Chi Ma, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, các đồn biên phòng đã xây dựng phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời điểm cuối năm. Cụ thể, các đồn biên phòng đã chủ động phối hợp các đơn vị chức năng khác và chính quyền cơ sở nắm chắc địa bàn, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới.
Trong đó, các đồn biên phòng hiện đã và đang phối hợp với chi cục hải quan tại các cửa khẩu, chính quyền các xã biên giới tổ chức chốt chặn ở những vị trí trọng điểm, có nguy cơ xảy ra hoạt động vận chuyển hàng lậu trái phép qua địa bàn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra cơ động trong khu vực cửa khẩu, các xã biên giới… nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các kho cất trữ hàng lậu lớn. Song song với đó, lực lượng bộ đội biên phòng chủ động phối hợp với chính quyền các xã biên giới tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới không tiếp tay vận chuyển hàng lậu cho các đối tượng buôn lậu.
Ngoài lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu cũng đã tăng cường lực lượng, tập trung kiểm soát địa bàn quản lý, nhất là tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn tình trạng “nhập lậu” những mặt hàng có giá trị cao bằng cách gian lận trong khai báo hải quan.
Ông Vũ Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn – Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng giả qua địa bàn quản lý của cơ quan hải quan, lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có thuế suất cao, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, buôn lậu qua cửa khẩu.
Theo đó, các chi cục hải quan tại cửa khẩu chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trong đó chú trọng, tăng cường giám sát cơ động, giám sát trực tuyến nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận trong kê khai hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, để ngăn chặn các hành vi gian lận qua kê khai hải quan để nhập lậu những mặt hàng có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam của các doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh tiếp tục tăng cường một số máy soi chiếu công-ten-nơ tại các cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma. Từ đó thực hiện giám sát chặt nguồn hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài lực lượng trên tuyến biên giới, cửa khẩu, trong địa bàn nội địa, lực lượng quản lý thị trường, Công an tỉnh cũng chủ động phối hợp, thực hiện các biện pháp để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vận chuyển vào địa bàn.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc bên cạnh việc tiếp tục kiểm tra thị trường theo kế hoạch định kỳ, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về tập trung kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra các chợ, các siêu thị, các cơ sở kinh doanh lớn… trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, các chợ trung tâm các huyện; tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nhóm hàng hóa tiêu dùng, hàng bách hóa, hàng điện tử, hàng thực phẩm… phục vụ các dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Thực tế cho thấy, thời gian này, lực lượng quản lý thị trường và lực lượng công an đang tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là các tuyến đường từ địa bàn biên giới vào khu vực nội địa để ngăn chặn kịp thời các đối tượng vận chuyển hàng lậu qua địa bàn tỉnh. Song song với việc tăng cường kiểm tra trên khâu lưu thông, lực lượng công an và quản lý thị trường cũng đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, triệt phá những điểm tập kết hàng lậu trên địa bàn.
Có thể thấy, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh Lạng Sơn đã và đang thiết lập phòng tuyến trên khu vực biên giới, cũng như trong khu vực nội địa nhằm ngăn không để hàng lậu lọt qua địa bàn.