– Năm 2023, ngành du lịch Lạng Sơn đặt mục tiêu đón 3,8 triệu lượt khách, trong đó khoảng hơn 3,7 triệu lượt khách nội địa và trên 37.000 lượt khách quốc tế, mang lại nguồn thu trên 2.800 tỷ đồng. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hiện nay ngành du lịch tỉnh đã và đang đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng quảng bá trên nền tảng số.
Cán bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh hướng dẫn du khách quét mã QR thông tin về du lịch Lạng Sơn
Nếu như trước đây, việc truyền thông, quảng bá du lịch chủ yếu được thực hiện trực tiếp thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội chợ, giới thiệu sản phẩm, trải nghiệm về du lịch, thì thời gian gần đây, đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng quảng bá du lịch đã có nhiều thay đổi, trong đó ngành chú trọng đến việc sử dụng các nền tảng số. Nhờ vậy, đã và đang ngày càng thu hút đông đảo du khách biết và đến với Lạng Sơn…
Xây dựng du lịch thông minh
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực trong việc truyền thông, quảng bá du lịch. Tiêu biểu, ngày 13/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND Xây dựng và phát triển Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, mục tiêu là “Phát triển Hệ thống du lịch thông minh, trọng tâm là Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số về du lịch tỉnh Lạng Sơn… Số hóa cơ sở dữ liệu du lịch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế phát triển du lịch trong thời đại công nghệ số”.
Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch trên, các cấp, ngành đã tích cực thực hiện các giải pháp. Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ trong lĩnh vực du lịch, tạo ra một số dịch vụ tiện ích cho người dân, khách du lịch và các doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời, từng bước đưa công nghệ vào phát triển du lịch với điểm nhấn là triển khai hệ thống số hóa 3D nhằm mang những hình ảnh, thông tin đặc sắc về các khu, điểm du lịch của tỉnh.
Trên hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn hiện đã có 450 cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn đăng ký tham gia quảng bá, thu hút gần 4 triệu lượt truy cập, tìm kiếm. |
Theo đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (TTXTDL) là đơn vị chuyên môn của Sở VHTT&DL thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu chung tích hợp vào cổng du lịch thông minh của tỉnh, nâng cấp website, cập nhật các giao diện mới hiện đại và mang tính chuyên nghiệp; triển khai số hóa các điểm du lịch bằng công nghệ giao diện 360 độ mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các điểm du lịch; triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn trên các nền tảng mạng xã hội như: facebook, youtube, zalo, tiktok…
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm TTXTDL cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Lạng Sơn, Cổng thông tin du lịch Lạng Sơn với trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền http://langsontourism.com.vn và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động: Lang Son Tourism đã được tích hợp nhiều tính năng và đi vào hoạt động thử nghiệm từ ngày 4/3/2019. Ngoài ra, trong năm 2022 Trung tâm TTXTDL đã phối hợp xây dựng xong hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ tại điểm du lịch chùa Tam Thanh, hiện trung tâm đang tiếp tục triển khai xây dựng mô hình này tại 9 điểm du lịch khác của tỉnh. Đơn vị cũng đã triển khai lắp đặt mô hình quét mã QR tại nhiều điểm du lịch như: Suối Mỏ Mắm (huyện Bắc Sơn); Trạm dừng nghỉ hồi, quế Lạng Sơn (huyện Chi Lăng) và một số khách sạn, nhà hàng… Cùng đó, tất cả các ấn phẩm xuất bản dưới dạng tờ rơi, tập gấp, sách ảnh đều được đăng tải trên giá sách điện tử của trung tâm.
Đáng chú ý, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đầu tháng 7/2023, Trung tâm TTXTDL đã mời đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quảng bá du lịch thông qua nền tảng số với chủ đề “Du lịch Lạng Sơn – Trải nghiệm và cảm nhận” Tại đây, những người làm du lịch được hướng dẫn các kỹ năng quảng bá du lịch trực tuyến, kỹ năng thu hút “triệu view” từ những bức ảnh du lịch đẹp trên nền tảng: facebook, tik tok, youtube.
Giao diện cổng thông tin du lịch Lạng Sơn với tên miền http://langsontourism.com.vn
Tăng hiệu quả truyền thông
Đồng hành với ngành du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch đã tích cực triển khai xây dựng sản phẩm du lịch mới như: giới thiệu tour du lịch trên nền tảng trực tuyến; check-in khách sạn tự động, sử dụng các dịch vụ tại khách sạn thông qua ứng dụng trên điện thoại…
Chị Nguyễn Thị Hiền, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Cuối tuần vừa rồi tôi cùng gia đình tới du lịch tại thành phố Lạng Sơn, khi vừa có mặt tại khách sạn SoJo hotel Lạng Sơn tôi đã được bộ phận lễ tân tư vấn rất nhiệt tình về việc quét mã QR và cài app du lịch Lạng Sơn, sau khi tiến hành các bước, trên điện thoại của tôi đã hiện đầy đủ các thông tin như: địa chỉ các nhà hàng, quán ăn ngon, các điểm mua sắm, các địa điểm du lịch nổi tiếng… điều làm tôi ấn tượng hơn cả là ứng dụng này còn tích hợp tính năng chỉ đường, do đó tôi không mất nhiều thời gian hỏi đường mà chỉ cần tích vào biểu tượng chỉ đường trên app là sẽ có lộ trình vạch sẵn và hướng dẫn cung đường ngắn nhất tới địa điểm mà tôi cần tới.
Cùng với các khách sạn lớn, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch tại các huyện cũng chủ động tận dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Lạng Sơn. Anh Hoàng Vũ, người làm du lịch tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng thông qua facebook cá nhân và kênh tiktok, đã đăng tải nhiều video, clip giới thiệu cảnh sắc, con người Hữu Liên. Mỗi clip đăng tải thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận. Anh Vũ cho biết: “Nhiều du khách tìm đến dịch vụ du lịch thông qua theo dõi các clip, hình ảnh mà tôi đăng tải. Tôi thấy việc quảng bá qua mạng xã hội rất hữu ích cho việc phát triển, lan tỏa hình ảnh du lịch tới du khách”.
Được biết trên hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn hiện đã có 450 cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đăng ký tham gia quảng bá, thu hút gần 4 triệu lượt truy cập, tìm kiếm.
Từ thực tế trên cho thấy việc quảng bá du lịch Xứ Lạng trên các nền tảng số đã và đang đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho du lịch tỉnh. Nhờ có các nền tảng này mà hình ảnh du lịch Xứ Lạng được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, từ đó tỉnh có thêm cơ hội phát triển du lịch bền vững.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách đến với Lạng Sơn đạt trên 3,1 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu ước đạt trên 2.400 tỷ đồng, tăng 114,8% so với cùng kỳ. Những con số này là minh chứng cho sự khởi sắc của du lịch Xứ Lạng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tích cực nâng cấp, chỉnh sửa và duy trì xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật, chỉnh lý thông tin du lịch Lạng Sơn. Đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cấp hệ thống tham quan thực tại ảo trong các năm tiếp theo…
Đầu tư vào nền tảng số là 1 trong 5 chiến lược truyền thông dẫn đầu xu hướng hiện nay giúp các doanh nghiệp vượt khủng hoảng đại dịch, từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. 5 chiến lược gồm: Hoạt động dựa vào thiên nhiên; tham gia liên kết trong các cộng đồng có thế mạnh về chuyển đổi số trong phát triển du lịch; đầu tư vào các nền tảng truyền thông số; hợp tác với các thế hệ trẻ, tạo xu hướng trên các nền tảng số; mỗi cá nhân cần xây dựng kênh truyền thông riêng. Tôi thấy, Lạng Sơn là tỉnh rất giàu tiềm năng phát triển du lịch và có đẩy đủ mọi yếu tố để vận dụng tốt 5 chiến lược truyền thông này, tiêu biểu như vị trí địa lý, cảnh sắc núi non hùng vĩ, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng. Có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với nhiều sản vật phong phú, độc đáo đã được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam, … Lạng Sơn cũng là một trong những tỉnh tích cực, tiên phong trong vấn đề áp dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc số hóa ngành Du lịch. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, cá nhân tôi thấy các đơn vị chuyên môn của tỉnh nên quan tâm hơn nữa tới công tác đầu tư vào các nền tảng truyền thông số; hợp tác với các thế hệ trẻ, tạo xu hướng trên các nền tảng số; đồng thời đẩy mạnh việc khuyến khích nguồn nhân lực du lịch trực tiếp xây dựng kênh truyền thông riêng. Bà Trần Thị Thu Trang – Chủ tịch Nông sản Vườn An (Nông Sản Vườn An là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị, công nghệ và nông nghiệp) |