– Lạng Sơn là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nổi tiếng cùng với rất nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế này, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Vừa trải qua chuyến trải nghiệm vùng đồi chè Đình Lập, anh Nguyễn Văn Thịnh, du khách đến từ Hà Nội phấn khởi cho biết: Tôi rất bất ngờ với những đồi chè đẹp và hùng vĩ ở Đình Lập. Đặc biệt, tôi còn được đến nhà xưởng xem các công đoạn phơi, sao chè và trực tiếp nếm thử các loại chè ngon… Vì thế, trong chuyến trải nghiệm, tôi đã mua một số sản phẩm chè OCOP của huyện để làm quà”.
Được biết, hoạt động phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp tham quan đồi chè gắn với quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP được huyện Đình Lập thực hiện từ năm 2022. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các đồi chè đã thu hút trên 5.000 lượt khách. Là một trong những đơn vị tham gia xây dựng mô hình du lịch đồi chè, ông Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chè Thái Bình – Lạng Sơn cho biết: Tôi thấy sản phẩm trải nghiệm du lịch đồi chè là cách làm rất hay để tạo đà phát triển cho địa phương, cũng như là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu sản phẩm OCOP. Vì vậy, ngoài xây dựng các hoạt động trải nghiệm, công ty cũng chú trọng giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm chè OCOP do công ty sản xuất.
Không riêng huyện Đình Lập, những năm qua, nhiều địa bàn trong tỉnh đã xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với phát huy giá trị các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như điểm du lịch vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng, Bắc Sơn; mô hình vườn dẻ, quýt, nho, dâu tây (thành phố Lạng Sơn), mô hình trải nghiệm vườn na (Chi Lăng)… thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan kết hợp mua sản phẩm tại vườn mỗi vụ.
Cùng đó, việc xúc tiến, quảng bá các sản phẩm OCOP tại các sự kiện văn hoá, du lịch, lễ hội trong và ngoài tỉnh được các cấp, ngành quan tâm như: quảng bá tại Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh; chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; hội chợ Du lịch biên quan Bằng Tường; lễ hội Hoa Đào, Ngày hội Văn hoá các dân tộc thành phố Lạng Sơn, Ngày hội Mùa vàng Bắc Sơn, lễ hội Thảo nguyên Đồng Lâm… Mỗi lễ hội thu hút từ 15.000 – 30.000 lượt khách đã góp phần không nhỏ giúp các gia đình, doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Chị Đặng Thị Múi, thành viên HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn cho biết: Qua các hội chợ, lễ hội, sản phẩm OCOP của HTX đã được quảng bá rộng rãi hơn. Đặc biệt, trong chương trình Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch (VHTT&DL) các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI (tháng 11/2024), tôi đã bán được khoảng 600 hộp ô mai chanh rừng, hơn 100 chai rượu men lá Mẫu Sơn. Nhiều khách hàng sau khi thưởng thức sản phẩm của chúng tôi đã quay lại tìm mua và giới thiệu cho người thân, bạn bè.
Có thể thấy, sự hấp dẫn của các sản vật nông nghiệp OCOP đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn. Năm 2024, ước tính tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt trên 4,2 triệu lượt (tăng hơn 8% so với năm 2023), doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng. Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Những năm qua, sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sở không chỉ quan tâm tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền cho những địa bàn có thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp mà còn khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với phát huy giá trị các sản phẩm OCOP; đưa các sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào trưng bày tại các sự kiện văn hoá, du lịch…
Theo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13/8/2019, hiện toàn tỉnh có 106 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. |
Được biết, từ năm 2021 đến nay, Sở VHTT&DL đã in hơn 1.000 cuốn tài liệu về các chủ trương, cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch cấp phát cho cán bộ cấp xã, huyện, các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ dân làm du lịch… Tổ chức hơn 10 khóa tập huấn với hàng nghìn học viên là người dân làm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa các cụm gian hàng OCOP giới thiệu tại các điểm du lịch; các sự kiện trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã xây dựng một số tuyến du lịch gắn với nông nghiệp như: tuyến du lịch sinh thái tại một số điểm trồng quýt (Bắc Sơn); tuyến du lịch cộng đồng tại các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng)… Song song với đó, trong tất cả các gian hàng tham gia các sự kiện hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, trung tâm đều dành riêng gian hàng để trưng bày về các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP của Lạng Sơn…
Qua đây có thể thấy, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Từ đó, không chỉ giúp khách du lịch được tham quan về vùng đất mà còn biết đến và thưởng thức nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn của Xứ Lạng, góp phần thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Nguồn: https://baolangson.vn/phat-trien-san-pham-ocop-thanh-dai-su-du-lich-5031436.html