– Những năm qua, mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, không chỉ mở rộng về diện tích mà người dân còn chú trọng phát triển sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Thành viên HTX Hoàng Việt kiểm tra chất lượng cây hồng vành khuyên
Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Việt, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng được thành lập với 9 thành viên nhằm liên kết các hộ dân trồng hồng có kinh nghiệm trên địa bàn xã tham gia sản xuất theo hướng tập trung, an toàn với diện tích ban đầu trên 10 ha.
Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc hồng theo hướng an toàn. Năm 2020, các thành viên HTX được tham gia thực hiện sản xuất hồng đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn. Đến nay, diện tích trồng hồng của HTX được nâng lên 30 ha và toàn bộ đều được chăm sóc theo hướng VietGAP. Trung bình mỗi năm, sản lượng hồng của HTX đạt trên 100 tấn, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, thu nhập trung bình của thành viên đạt trên 100 triệu đồng/thành viên/năm.
Ông Đinh Mạnh Khiêm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 2.000 ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu là hồng vành khuyên với diện tích trên 1.400 ha. Từ các nguồn vốn phát triển sản xuất, huyện đã thực hiện các dự án, mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, huyện đã hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX thực hiện 8 mô hình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về cây ăn quả cho bà con trên địa bàn huyện. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có trên 400 ha hồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và 50 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ; trung bình mỗi năm, sản lượng hồng đạt trên 6.000 tấn (tăng khoảng 4.000 tấn so với năm 2018), giá trị đạt trên 96 tỷ đồng.
Không chỉ huyện Văn Lãng, hiện nay, việc phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn được các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Hiện toàn tỉnh có trên 17.100 ha cây ăn quả các loại, trong đó, hơn 2.500 ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (tăng 1.300 ha so với năm 2021). Cây ăn quả được trồng tập trung ở một số huyện như: Hữu Lũng (4.200 ha), Chi Lăng (4.000 ha), Bắc Sơn (1.500 ha)… Qua đó đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả như: vùng trồng na ở Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích 4.460 ha, sản lượng đạt 36.500 tấn/năm, giá trị ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2021; vùng hồng Văn Lãng, Cao Lộc, sản lượng đạt 8.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 185 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với năm 2021; vùng quýt Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định với diện tích 1.275 ha, sản lượng đạt 4.500 tấn/năm, giá trị ước đạt gần 100 tỷ đồng….
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để cây ăn quả phát triển an toàn và bền vững, chi cục đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản tới các huyện, thành phố về phát triển các sản phẩm chủ lực, trong đó có cây ăn quả. Hằng năm, chi cục phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 2 – 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có thêm kiến thức và kỹ năng chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp, HTX làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng cây ăn quả; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất (chăm sóc, cắt, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh…), sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc, sinh học thay thế dần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, hướng đến hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh nâng cao chất lượng cây ăn quả, UBND các huyện, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nông sản chủ lực trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 để phát triển các mô hình trồng cây ăn quả.
Có thể thấy, việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ không chỉ giúp nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn là điều kiện quan trọng để người nông dân nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, từng bước hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.