Chứng nhận sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem như giấy thông hành để đưa sản phẩm hướng vào các siêu thị và cửa hàng tiện ích, vì vậy, huyện Quốc Oai đang tập trung lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm miến dong Dương Kiên của huyện Quốc Oai đã đạt OCOP 4 sao. Ảnh: VGP/TT
Với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng, từ năm 2020, chị Nguyễn Thị Ngân, chủ cơ sở sản xuất lá mori, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai chia sẻ: Để phát triển sản phẩm OCOP chị đã đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản như bột đậu, chanh rừng và enzim cirô. Nguồn nguyên liệu truy xuất được nguồn gốc, quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và để tạo dựng uy tín với khách hàng, cơ sở cũng đã đăng ký kinh doanh và nhãn hiệu cho sản phẩm mang tên lá mori tại xã Nghĩa Hương.
Trong năm 2023, cơ sở cũng đã đăng ký 3 sản phẩm bột đậu, chanh rừng và enzim cirô tham gia OCOP của huyện Quốc Oai để khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện cơ sở chủ yếu bán qua kênh trực tuyến, và mỗi tháng xuất được khoảng 300 sản phẩm các loại.
Theo ông Nguyễn Danh Thế, chủ cơ sở sản xuất miến dong Thế Nga, thôn 4, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, sau khi nhận thấy nhiều cơ sở tại địa phương đạt chuẩn OCOP giúp mở rộng thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn, ông Thế đã đăng ký tham gia và đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Thông qua các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố và huyện Quốc Oai thì nay mặt hàng miến dong của cơ sở đã xuất được đi cả nước. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở miến dong Thế Nga sản xuất được trên 5 tấn miến, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương.
Phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP đang góp phần hỗ trợ rất lớn cho các chủ thể tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ông Trần Hùng, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai chia sẻ, đối với mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh điều cốt yếu không phải là hỗ trợ bằng tiền mà đó là hỗ trợ về cơ chế chính sách, xúc tiến thương mại, tạo sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển. Đó là những lợi ích mà OCOP mang lại cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nâng tầm sản phẩm.
Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, qua 4 năm triển khai, huyện Quốc Oai đã có 110 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Trong năm 2023 này, huyện đang phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ đánh giá cho 25 sản phẩm.
Trong thời gian qua, để hỗ trợ các chủ thể quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm, huyện Quốc Oai đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như: Phối hợp với Văn phòng Điều phố chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn online về giới thiệu Cổng thông tin thương mại điện tử http://ketnoiocop.vn cho các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện. Hỗ trợ, tổ chức cho 3 chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia Hội thảo “Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội tổ chức.
Đồng thời hỗ trợ, tổ chức cho 2 chủ thể OCOP tham gia Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 do Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội tổ chức. Hỗ trợ 12 chủ thể tham dự các Hội chợ, Festival do thành phố Hà Nội tổ chức.
Có thể khẳng định, việc triển khai OCOP chính là cơ hội để huyện Quốc Oai quy hoạch lại vùng sản xuất, xác định các sản phẩm nông sản, làng nghề chủ lực, xây dựng thương hiệu, từ đó tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương.
Xem tin liên quan
Nguồn:https://baochinhphu.vn/phat-trien-cac-san-pham-ocop-tu-the-manh-dia-phuong-102231004160517338.htm