– Thông qua 4 tổ chức chính trị – xã hội (CTXH) nhận ủy thác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Hoạt động ủy thác cho vay giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với các tổ chức CTXH đã phát huy tối đa hiệu quả, giúp nhiều người vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Người dân thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn
Trong quá trình lập nghiệp, vợ chồng chị Đặng Thị Quỳnh, thôn Làng Đồng, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn thiếu vốn để sản xuất nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, nhờ được cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hướng dẫn, chị đã vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Chị Quỳnh chia sẻ: “Nhờ được các cán bộ Hội LHPN xã, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn tư vấn và giới thiệu gói vay phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên tôi đã có cơ hội được tiếp cận gói vay ưu đãi của NHCSXH. Từ nguồn vốn, vợ chồng tôi đã đầu tư trồng 6 ha rừng keo, mỡ. Năm 2022, gia đình tôi khai thác rừng đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng, gia đình tôi đã trả được nợ ngân hàng và có vốn để phát triển kinh tế”.
Không chỉ chị Quỳnh, thông qua Hội LHPN xã đã có nhiều chị em phụ nữ được vay vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Chị Hoàng Thị Lương, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn cho biết: Nhằm giúp các chị em hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, hội đã tích cực tuyên truyền các chương trình cho vay của NHCSXH. Nhờ đó, nhiều chị em đã biết đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh. Đến nay, dư nợ cho vay ủy thác qua Hội LHPN xã đạt hơn 9 tỷ đồng với gần 200 hộ được vay. Từ nguồn vốn, năm 2022, hội giúp đỡ 18 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn và cán bộ Hội Nông dân xã Nhất Tiến kiểm tra mô hình trồng rừng của hội viên
Trong mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải vốn chính sách đến với người dân. Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức CTXH (Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) với dư nợ trên 3.900 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ cho vay.
Để thực hiện tốt các nội dung ủy thác, các tổ chức CTXH các cấp trên địa bàn tỉnh đều phân công cán bộ phụ trách công tác ủy thác, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, thực hiện việc ủy thác với NHCSXH tỉnh. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể còn thành lập mạng lưới tổ TK&VV với 2.057 tổ tại 100% thôn, bản, khối phố trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai cho vay nhanh chóng, kịp thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của hộ vay để khắc phục.
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Xác định việc tạo nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất là một nội dung trọng tâm, do đó, hoạt động ủy thác tín dụng chính sách được xây dựng thành tiêu chí quan trọng trong quy chế thi đua của các cấp hội. Tính đến nay, dư nợ cho vay ủy thác qua Hội Nông dân là trên 1.020 tỷ đồng với 23.565 hộ vay. Trong 7 tháng đầu năm 2023, hội nông dân các cấp đã tiến hành kiểm tra được 73 chi hội, 69 tổ TK&VV, 1.551 hộ vay vốn. Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, các hội viên đã xây dựng được mô hình kinh tế sản xuất, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện đáng kể.
Thực hiện vai trò nhận ủy thác vốn với ngân hàng, để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế làm ăn hiệu quả, hằng năm, các tổ chức CTXH các cấp luôn cử cán bộ chuyên trách tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn, phương thức ủy thác cho vay do ngân hàng tổ chức. Cùng với đó, các tổ chức CTXH các cấp luôn chú trọng đến công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn. Từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức CTXH cấp tỉnh kiểm tra, giám sát được 12 lượt huyện, 12 lượt xã, 19 tổ TK&VV; các tổ chức CTXH cấp huyện kiểm tra được 405 lượt xã, 530 tổ TK&VV; 2.606 lượt hộ. Tổ chức hội cấp xã kiểm tra 1.317 tổ TK&VV và 37.809 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, công tác cho vay thực hiện đúng quy trình, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, cơ bản chấp hành tốt việc trả lãi và gốc.
Bên cạnh đó, để các hộ phát huy hiệu quả vốn vay, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật (trung bình mỗi tổ chức hội tổ chức được trên 20 lớp/năm). Qua đó, tạo điều kiện cho người dân áp dụng vào phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả như: hộ anh Vi Hồng Thái, hội viên Hội Nông dân thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để đầu tư kinh doanh vật tư trồng cây cảnh, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; gia đình chị Lã Thị Hải, hội viên Hội LHPN xã Cường Lợi, huyện Đình Lập vay 40 triệu đồng đầu tư trồng, chăm sóc rừng thông, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng; gia đình ông Dương Công Kỳ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Long Đống, huyện Bắc Sơn vay 50 triệu đồng để chăn nuôi lợn, trồng đào cảnh, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm…
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Các tổ chức CTXH trong tỉnh đã thực sự phát huy tốt vai trò nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách, qua đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm, tác động đến ý thức có vay có trả của người dân. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn vốn, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,06% dư nợ ủy thác.
Có thể nói, phương thức ủy thác qua các tổ chức CTXH đã phát huy vai trò của các tổ chức hội, là kênh dẫn vốn tín dụng hiệu quả góp phần chuyển tải nguồn vốn đến người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 8,92% (giảm 3,28% so với năm 2021).
Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức CTXH (Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) với dư nợ trên 3.900 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ cho vay. |