Tổ chức cộng đồng giữ vai trò bổ khuyết cho Nhà nước và thị trường trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Khi cơ chế và tổ chức thị trường tạo ra lực lượng sản xuất mới thì cơ chế và tổ chức cộng đồng sẽ được hình thành với quan hệ sản xuất phù hợp.
Đây là ý kiến TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn đưa ra trong Tọa đàm trực tuyến “Vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn” do Bộ NN&PTNT tổ chức diễn ra chiều (16/8) ở Hà Nội.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn phân tích: “Đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa làm thay đổi các giá trị và hành vi của xã hội. Nếu không có sức mạnh của cộng đồng sẽ không duy trì được nền văn hóa, không bảo vệ được các giá trị của cuộc sống. Đã đến lúc phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Huy động thế mạnh của cộng đồng sẽ giúp xã hội ổn định, về thị trường là phát triển kinh tế, về phía Nhà nước là điều hành thống nhất. Nếu cộng đồng người dân, các địa phương không vào cuộc thì sẽ không làm được”.
Ông Trần Phú Hậu, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) là thành viên Minh Tâm hội quán thành lập năm 2016 cho biết, đến với hội quán, những người nông dân như ông đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài. Hiện gia đình ông có thu nhập 500 triệu đồng mỗi năm từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Mô tả kỹ hơn về Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương, ông Hậu cho biết hội quán này được thành lập tháng 9/2016 trên tinh thần tự nguyện, tự gắn kết để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và mua bán sản phẩm với nhau cùng các lĩnh vực khác trong cuộc sống, từ đó đến nay đã tập hợp hơn 80 thành viên tham gia sinh hoạt, định kỳ hàng tháng.
“Hội quán đã khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp nông dân cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, xử lý xoài hữu cơ, nghịch vụ, cách phòng trừ sâu bệnh trên vườn xoài nhà mình, nhất là áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, cùng nhau hỗ trợ nhau nhiều mặt trong đời sống của nhân dân”, ông Hậu chia sẻ.
Từ thực tế triển khai các chương trình, dự án, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ, chỉ khi nào cộng đồng chủ động tham gia và làm chủ sáng kiến khi đó mới phát huy hiệu quả của các chương trình, dự án. Qua đó, thúc đẩy việc trao quyền cho cộng đồng để gắn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng với xã hội, môi trường và thế hệ tương lai. Một số ý kiến cho rằng, muốn nhân rộng mô hình cộng đồng phải xây dựng và phát triển được yếu tố về con người. Đó có thể là cá nhân hoặc một nhóm người trong cộng đồng có nhu cầu hợp tác, liên kết, với sự dẫn dắt của cán bộ quản lý Nhà nước, cùng với đó là sự quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán để thay đổi cuộc sống của mình tốt hơn.
Cộng đồng tạo ra sự lan tỏa các mô hình nông nghiệp hiệu quả
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từ liên kết hợp tác xã hay hình thành hội quán… đều có thể phát triển các mô hình liên kết từ sản xuất hợp tác xã đến phát triển du lịch, bảo vệ làng nghề, văn hóa truyền thống bản địa. Khi có các tiêu chuẩn, quy chế chúng ta sẽ tập trung chính sách hỗ trợ vào những cộng đồng đã đạt được những tiêu chí khi đó sẽ nhân rộng nhanh hơn các mô hình.
Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế chia sẻ, phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là cây lúa hay vật nuôi mà là cho lợi ích của cộng đồng trong đó có người nông dân. Không thể dùng chính sách để bao phủ đến các tầng lớp nhân dân trong đó có nông dân.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Quản lý và phát triển ngành nông nghiệp phải làm công tác nông vận kết hợp với chính sách với kỹ thuật với giải pháp hành chính. Bài học kinh nghiệm là phải dựa vào nhân dân, phải phát huy vai trò tập thể không chỉ mỗi hộ gia đình mà các tập thể các cộng đồng nông dân để xây dựng cuộc sống của chính mình tốt đẹp hơn”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững phải bắt đầu phát huy từ nội lực cộng đồng, sáng kiến tạo ra để thu hút nguồn lực bên ngoài, phải giúp người dân nói chung, nông dân nói riêng hiểu được giá trị mô hình do cộng đồng đồng quản lý.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, phương thức tiếp cận đối với cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn không phải là một mô hình, thiết chế mà là tư duy. Theo cách tiếp cận mới, cộng đồng được trao quyền tự chủ và làm cho mình, những yếu tố bên ngoài chỉ góp phần hỗ trợ thêm. Mô hình có thể thay đổi linh hoạt nhưng tư duy là kết tinh của những điều mà thế giới đã rút ra.
“Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo đặc thù của chúng ta nhưng cũng phải hòa vào quỹ đạo chung của thế giới. Theo đó, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/phat-huy-vai-tro-cong-dong-trong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-10223081619103458.htm